DNews

GS.TS Võ Tòng Xuân: Hành trình nửa thế kỷ tìm cách thoát nghèo cho nông dân

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Thấm thía lời Bác dạy: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu", GS. Xuân luôn tâm niệm rằng nếu có cách nào làm cho người nông dân đạt nhiều tấn lúa, thì ông càng "đạt chỉ tiêu".

GS.TS Võ Tòng Xuân: Hành trình nửa thế kỷ tìm cách thoát nghèo cho nông dân

Nói đến gạo ngon, chúng ta nghĩ ngay đến gạo ST25, khi đây là giống đã đạt giải Nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Manila (Philippin), và được nhiều người biết đến nhờ các đặc điểm nổi bật như có mùi thơm, hạt dài, trắng...

Mặc dù "cha đẻ" của gạo ST25 là kỹ sư Hồ Quang Cua, nhưng trên thực tế, người đứng sau và đóng vai trò dẫn dắt, nâng tầm cho ông Cua không ai khác, chính là GS. TS. Võ Tòng Xuân.

Bản thân GS. Xuân cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống lúa IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long, và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.

Cho tới tận hôm nay, người cha già 83 tuổi của nhiều giống lúa gạo ngon ở Việt Nam vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, và đưa ra các sáng kiến để cải thiện sinh kế của người nông dân, cũng như nâng tầm cao sản đến từ dải đất hình chữ S.

Ước muốn thay đổi cuộc sống người nông dân

Chia sẻ với phóng viên Dân trí trước thềm diễn ra Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023 - nơi GS. TS. Võ Tòng Xuân tham dự với tư cách khách mời - ông cho biết hành trình của mình đã xuất phát từ thời còn học trung học, với mong muốn làm sao phải thay đổi đời sống của người nông dân Việt Nam.

Tuần lễ Khoa học công nghệ và lễ trao giải VinFuture 2023 diễn ra ngày 18-21/12.

Với việc quy tụ nhiều nhà khoa học danh tiếng và được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture mang theo hy vọng sẽ góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học nước nhà sớm hội nhập với thế giới.

"Thời ấy, cứ mỗi lần vào vụ mùa, tôi lại thấy dì dượng của mình làm việc vô cùng vất vả, và cuộc sống của người nông dân Việt Nam nhìn chung rất cực khổ", GS. Xuân nói. "Từ đó, tôi muốn làm thế nào để học thật tốt, rồi tham gia cải thiện cuộc sống của người nông dân để dân ta bớt khổ".

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Nông hóa tại Đại học Nông nghiệp Philippin, GS. Xuân được Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nhận vào làm. Trong thời gian này, GS. Xuân đã đi tiên phong trong việc phổ biến mô hình khuyến nông trực tiếp trên đất nước Philippin.

Năm 1971, GS. Xuân quyết định về nước với mong muốn mang kiến thức nông nghiệp phổ cập tới người dân, từ đó góp phần giúp nông dân trồng lúa hiệu quả hơn, đời sống người nông dân được cải thiện.

Dẫu vậy phải tới năm 1976, bước ngoặt trong hành trình của GS. Xuân mới diễn ra. Khi ấy, nông dân đồng bằng sông Cửu Long ai nấy đều gặp khó khi hầu hết các giống lúa cao sản đương thời như TN73-2, IR26... bị hư hỏng hàng loạt bởi rầy nâu Biotyp-2. Nhiều nơi, nông dân thậm chí phải bán cả đồ đạc, dụng cụ trong nhà để "cứu lúa".

GS.TS Võ Tòng Xuân: Hành trình nửa thế kỷ tìm cách thoát nghèo cho nông dân - 1

GS. Xuân trên một cánh đồng lúa ở Đồng Tháp (Ảnh: Tấn Thọ).

Trước tình thế nguy cấp, GS. Xuân tìm cách liên hệ với Viện IRRI để tìm sự trợ giúp. Ông được TS. Gurdev Khush (Viện IRRI) gửi 5g hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện. GS. Xuân nghĩ rằng để cứu nông dân, cách duy nhất là phải tìm ra cách nhân giống nhanh nhất có thể.

Từ trận đánh "giặc" rầy nâu đến kỷ nguyên mới của lúa IR36

Vì lúa giống chỉ có một số lượng nhỏ, nằm gọn trong bao thư, nên GS. TS. Võ Tòng Xuân đã ngay lập tức bắt tay vào thử nghiệm các phương pháp cấy lúa để làm sao có hiệu quả tốt nhất.

Sau một thời gian ngắn, phương pháp cấy 1 tép/bụi do chính GS. Xuân mày mò, ra đời. Phương pháp này bao gồm việc phát triển cây lúa được 3 nhánh, thì tách ra, rồi cấy 1 tép/bụi.

Ông cũng thuyết phục lãnh đạo trường Đại học Cần Thơ gấp rút đóng cửa toàn trường để đưa sinh viên ra ngoài, chung tay giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long đánh "giặc" rầy nâu.

GS.TS Võ Tòng Xuân: Hành trình nửa thế kỷ tìm cách thoát nghèo cho nông dân - 2

Một người nông dân trên cánh đồng ở Gia Lai (Ảnh: Nay Săt).

Trong thời gian này, ông và các đồng nghiệp huấn luyện cấp tốc cho hơn 2.000 sinh viên 3 phương pháp cơ bản, gồm: Sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi.

Mặc dù cách này trái với tập quán lâu đời của bà con nông dân, nhưng sau khi biết người đứng sau là GS. TS. Võ Tòng Xuân, bà con đã tin tưởng và làm theo. Nhờ vậy mà chỉ trong 3 tháng, từ 5g hạt giống ban đầu, đã thu về hơn 2 tấn giống.

Sau đó, GS. Xuân tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân, đưa giống lúa IR36 phủ kín khắp các vùng lúa cao sản. Lần đầu tiên, người nông dân thoát khó khi đánh bại "giặc" rày nâu, thậm chí còn trúng mùa.

Nhờ các sáng kiến tiếp theo trong cấy tạo lúa giống, GS. Xuân thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

Sang đến năm 1980, giống lúa IR36 đã tạo ra đột phá, được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta.

Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.

Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới Châu Á. Điều này chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.

"Nông dân ta giàu thì nước ta giàu"

Thấm thía lời Bác dạy: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", GS. Xuân luôn tâm niệm rằng nếu có cách nào cho người nông dân đạt nhiều tấn lúa, thì ông càng "đạt chỉ tiêu".

GS. Xuân tin rằng cây lúa Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ phong thịnh với sự xuất hiện của hàng loạt giống lúa mới như ST24, ST25 trong những năm gần đây.

Dẫu vậy, đời sống của người nông dân vẫn chưa cao, vì thường xuyên bị thương gia ép giá, dẫn tới tình trạng giá bán và xuất khẩu đều kém ổn định.

GS.TS Võ Tòng Xuân: Hành trình nửa thế kỷ tìm cách thoát nghèo cho nông dân - 3

Theo GS. Xuân, cần làm sao cho bà con nông dân trở thành những người nông dân mới, những nhà khoa học, biết áp dụng kỹ thuật sinh học trong trồng trọt (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Theo chia sẻ của GS. TS. Võ Tòng Xuân, đây là một quyết định rất quan trọng, có tiềm năng sẽ mở ra con đường mới hơn cho lúa gạo Việt Nam để tiến tới bước vinh quang ổn định.

"Ngày nay, chúng ta xuất khẩu gạo với giá cao hơn so với lúc trước, nhưng chưa ổn định vì tình trạng tranh mua tranh bán của các doanh nghiệp và thương lái", ông Xuân cho biết. "Đề án được triển khai, Việt Nam sẽ sắp xếp lại trật tự chuỗi lúa gạo trong nước, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán của các doanh nghiệp, thương lái chuyên thu gom lúa của nông dân"

Dưới phương diện người nông dân, đề án sẽ chấm dứt thời buổi làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng chất lượng của hạt gạo không đồng đều, hay hàm lượng chất xám trong sản phẩm của người nông dân không cao.

Chia sẻ về hướng đi của nông nghiệp Việt Nam, GS. Xuân cho rằng cần làm sao cho bà con nông dân trở thành những người nông dân mới, những nhà khoa học, biết áp dụng kỹ thuật sinh học trong việc trồng trọt. Bên cạnh đó, phải làm sao để liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ.

"Cái hay trong quá trình nghiên cứu của tôi, là tôi có thể kết hợp với bà con nông dân. Như vậy thì không chỉ tôi, mà mọi người đều cùng làm khoa học", GS. Xuân thích thú cho biết. "Tôi vẫn nói bà con nên tránh kiểu tự phát, doanh nghiệp kinh doanh kiểu "ăn xổi ở thì", mà phải liên kết với nhau, rồi liên kết với cả thị trường nước ngoài".

Nói về Giải thưởng VinFuture - nơi quy tụ những nhà khoa học và nhà phát minh hàng đầu thế giới tại Việt Nam - GS. Xuân khẳng định đây là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức.

"Giải thưởng mở ra là cơ hội hợp tác với các quốc gia khác. Song, muốn hợp tác với các nhà khoa học tầm cỡ, thì mình cũng phải có tầm cỡ, có năng lực. Như thế thì giới khoa học Việt Nam mới đi lên được", GS. Xuân nói.

GS. TS. Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại An Giang. Ông được biết đến là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam. Ông cũng là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

Cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS. TS. Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.

Nhờ các sáng kiến này, Giáo sư Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

Ông được phong giáo sư Nông học (1980), Anh hùng Lao động (1985) và là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền (II, III, IV). Hiện nay, giáo sư Võ Tòng Xuân là hiệu trưởng danh dự của Trường đại học Nam Cần Thơ.

Ảnh: Nguyễn Nguyễn