Tuần lễ khoa học VinFuture 2023 có gì đáng chờ mong?
(Dân trí) - Với việc quy tụ nhiều nhà khoa học danh tiếng và được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture mang theo hy vọng sẽ góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học nước nhà sớm hội nhập với thế giới.
Tuần lễ Khoa học công nghệ và lễ trao giải VinFuture 2023 diễn ra ngày 18-21/12.
Đây là sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ toàn cầu, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân từ 6 châu lục.
Tuần lễ Khoa học quy tụ những bộ óc kiệt xuất bậc nhất đương thời ở nhiều lĩnh vực, cùng những bài phát biểu truyền cảm hứng, tri thức và năng lượng tích cực.
Chuỗi sự kiện được tổ chức ngay tại Việt Nam, với địa điểm là các trường Đại học: VinUni, Đại học Bách Khoa, Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia… nhằm hướng đến mục tiêu kết nối những trí tuệ hàng đầu thế giới với các em sinh viên, cũng như cộng đồng khoa học trong nước để cùng giao lưu và chia sẻ tri thức.
Khát vọng tri thức, thay đổi thế giới của người Việt
Mở đầu cho tuần lễ khoa học VinFuture 2023 là chuỗi tọa đàm mang tên "Khoa học vì cuộc sống", diễn ra từ ngày 18/12.
Tại tọa đàm, chúng ta sẽ được tham dự và lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, y tế toàn cầu, năng lượng xanh, khoa học vật liệu… bàn về những câu chuyện, chủ đề "nóng" đang diễn ra trên thế giới và cách để tiếp cận chúng một cách phù hợp nhất.
Đây sẽ là cơ hội không thể quý báu hơn với các em sinh viên đam mê khoa học, công nghệ, những nhà khoa học trong nước, hay các tổ chức đang đi tìm lời giải cho những bài toán thuộc từng lĩnh vực cụ thể.
Theo GS.TS. Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, thông qua những hoạt động thiết thực như thế, VinFuture tạo ra sợi dây kết nối mạnh mẽ giữa giới khoa học trong nước với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, đồng thời mang tới cơ hội hội nhập cho các nhà nghiên cứu trẻ.
"Với người làm khoa học, điều này có ý nghĩa động viên, khích lệ rất lớn. Về lâu dài, mối tương tác và hợp tác này sẽ giúp kéo gần khoảng cách của các nhà khoa học trong nước và thế giới", vị chuyên gia đánh giá.
GS Quarraisha Abdool Karim, chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture mùa đầu tiên và hiện là Thành viên Hội đồng Sơ khảo VinFuture, đánh giá cao vai trò kết nối cộng đồng khoa học toàn cầu của Giải thưởng.
Điều này khiến VinFuture giống như một lời nhắc nhở, thu hút sự chú ý nhiều hơn của cộng đồng quốc tế đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới vì lợi ích xã hội.
"Các tọa đàm trong khuôn khổ lễ trao giải hay các hội thảo mà VinFuture tổ chức quanh năm, với chủ đề xoay quanh các thách thức toàn cầu, đang thực sự giúp gắn kết giới khoa học quốc tế, tập hợp những người có chung tầm nhìn và khát vọng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", GS. Karim đánh giá.
David Neil Payne, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2022, cho biết, thông qua VinFuture, hình dung của ông về Việt Nam đã thay đổi rất rõ rệt. Nhà khoa học kỳ cựu đánh giá, Việt Nam có tiềm năng trở thành một quốc gia mạnh về khoa học công nghệ với những người trẻ thông minh, có nền tảng giáo dục tốt và đặc biệt là có khát vọng.
"Người Việt rất tận tâm với khoa học và có khát vọng thay đổi thế giới. Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để khiến thế giới hiểu và chú ý đến những gì đang diễn ra tại các quốc gia như Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi Giải thưởng VinFuture đã làm được điều đó ở một mức độ rộng lớn", GS. Payne khẳng định.
Với thông điệp được truyền đi từ Giải thưởng VinFuture và tuần lễ khoa học, Việt Nam đã và đang được thế giới biết đến nhiều hơn không chỉ ở năng lực tiếp cận, sự đam mê tri thức khoa học, mà còn ở trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu.
Những bộ óc kiệt xuất tại tuần lễ khoa học
Đáng chú ý trong số những nhà khoa học nổi tiếng sẽ tới Việt Nam và có bài trình bày là GS. Susan Solomon, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển.
Bà là người có đóng góp đột phá giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozone với nguyên nhân từ chất chlorofluorocarbons (CFC).
Kết quả nghiên cứu của bà và đồng nghiệp là nền tảng cho sự ra đời Nghị định thư Montreal của Liên Hiệp Quốc vào năm 1987, nhằm ngăn chặn việc sử dụng các hợp chất CFC trên toàn thế giới. Đây là một trong những hiệp định quốc tế thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu tính tới hiện tại.
Ngoài ra, chuỗi tọa đàm còn có sự góp mặt của GS. Stanley Whittingham. Ông là giáo sư Hóa học Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Năng lượng Hóa học NorthEast (NECCES) tại Đại học Binghamton thuộc Đại học Bang New York (Mỹ).
Stanley là người tiên phong trong việc đề ra các nguyên tắc nền tảng của pin lithium-ion. Những đóng góp đột phá cho lĩnh vực pin lithium-ion đã mang về cho ông nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực, bao gồm Giải Nobel Hóa học 2019.
Nổi bật trong số những phát triển đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh còn có GS. Martin Andrew Green, Giáo sư Khoa học và Giám đốc Trung tâm Quang điện Tiên tiến Úc tại Đại học New South Wales (Úc).
Với những đóng góp xuất sắc cho một tương lai bền vững, ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, bao gồm Giải Năng lượng Toàn cầu 2018, Giải Nhật Bản 2021, Giải Công nghệ Thiên niên kỷ 2022 và Giải Nữ hoàng Elizabeth về Kỹ thuật 2023.
Với những người đam mê công nghệ và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chắc chắn bài phát biểu của GS. Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) sẽ là nguồn cảm hứng lớn lao để tiếp tục đi trên chặng đường này.
Low là người đóng vai trò quản lý, thúc đẩy và quyết định trong việc nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore.
Năm 2007, ông được Tổng thống Singapore trao tặng Huân chương Vàng về Hành chính công vì những đóng góp xuất sắc của ông cho sự phát triển của giáo dục kỹ thuật và quản lý khoa học và công nghệ cho quốc gia. Năm 2016, ông được Chính phủ Pháp phong tặng.
Với việc quy tụ nhiều nhà khoa học danh tiếng và được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture mang theo hy vọng sẽ định vị "dải đất chữ S" thành một điểm đến mới trên bản đồ toàn cầu, cũng như góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học nước nhà sớm hội nhập với thế giới.
Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.
Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Hợp tác khoa học chính là ý nghĩa và mục tiêu của giải thưởng VinFuture, khi theo cách nhìn nhận của ban tổ chức, là "những khối óc lớn cần phải đoàn kết để giải quyết các vấn đề toàn cầu". Đây chính là lý do vì sao VinFuture ngay từ đầu đã lựa chọn để mở rộng thành một giải thưởng quốc tế, thay vì chỉ tập trung trên lãnh thổ Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam.