1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Giám đốc cơ quan Vũ trụ Nga: Sao Kim là địa ngục thực sự

M.P

(Dân trí) - “Bằng quan sát thiên văn từ xa phát hiện những dấu vết của hoạt động sống trong bầu khí quyển của sao Kim không thể coi là bằng chứng đầy đủ và khách quan về tồn tại  sự sống trên hành tinh này”.

Giám đốc cơ quan Vũ trụ Nga: Sao Kim là địa ngục thực sự - 1

Đó là nhận định của ông Alexandr Bloshenko – Giám đốc cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) trước thông tin các chuyên gia từ Đại học Cardiff (Anh) và Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) tuyên bố phát hiện chất Phosphine trong bầu khí quyển của sao Kim, có thể có nguồn gốc sinh học, được tạo ra bởi các vi sinh vật không cần dùng oxy để hô hấp.

Ông lưu ý rằng, các dữ liệu khoa học đáng tin cậy ngày nay chỉ có thể thu nhận được thông qua nghiên cứu tiếp xúc bề mặt và bầu khí quyển sao Kim.

Ông Alexandr Bloshenko cũng nhấn mạnh: “Nước Nga là quốc gia duy nhất và đầu tiên đưa được bộ máy lên sao Kim. Ở đó, thiết bị của chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và nói chung Sao Kim là địa ngục  thực sự”.

Được biết, năm 1961, chương trình vũ trụ Xô Viết bắt đầu thử khám phá sao Kim. Trong những thập kỷ sau đó, quốc gia này đã phóng hàng chục tàu vũ trụ hướng về nơi mà đôi khi người ta gọi là “người anh em sinh đôi của Trái Đất”. Mặc dù khởi đầu với nhiều chuyến bay thất bại, nhưng Liên Xô vẫn là nước đầu tiên có tàu vũ trụ hạ cánh được xuống một nơi khác ngoài Trái Đất, và không lâu sau đó họ cũng trở thành nước đầu tiên chụp được ảnh từ bề mặt của một hành tinh khác. Những thành tựu khoa học kỹ thuật của họ thật đáng khâm phục cho đến tận ngày nay.

Sau khi chứng kiến con tàu đầu tiên bị đè bẹp dí trong khí quyển sao Kim như chúng ta đập bẹp những chiếc vỏ lon thiếc, Liên Xô nhận ra áp suất trên sao Kim khủng khiếp đến mức nào. Rút kinh nghiệm từ lần thử nghiệm thất bại này, họ đã chế tạo một con tàu bằng kim loại nặng 5 tấn có thể chống chịu được áp suất trên sao Kim, cho dù con tàu chỉ chịu đựng được trong vòng 1 giờ.

Năm 1967, tàu Venera 4 trở thành con tàu đầu tiên đo được áp suất của một hành tinh khác. Nó phát hiện ra lượng carbon dioxide rất lớn là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính trường kỳ trên sao Kim.

Sau đó, vào năm 1975, tàu Venera 9 trở thành con tàu đầu tiên chụp được ảnh từ bề mặt một hành tinh khác. Thế giới loài người đã chính thức “gặp mặt” sao Kim. Những hình ảnh mà Venera 9 và các con tàu sau nó gửi về cho thấy đây là một hành tinh có một không hai: địa hình đứt gãy bên dưới ánh sáng màu xanh neon mờ mờ nhạt nhạt. Hành tinh mà chúng ta tưởng được bao phủ bởi các đại dương và na ná như Trái Đất của chúng ta hóa ra lại là một thế giới xa lạ với những cơn mưa độc hại.

Các chuyến bay mang tên Venera sau đó còn kéo dài sang tận những năm 80 của thế kỷ trước đã giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các quá trình địa chất của sao Kim. Venera 11 và 12 đều phát hiện ra ở đây có rất nhiều sấm và sét. Venera 13 và 14 đều được trang bị micro để ghi âm trong quá trình tàu hạ cánh xuống bề mặt sao Kim. Như vậy đây cũng là lần đầu tiên con người thu được âm thanh ở một hành tinh khác.

Giám đốc cơ quan Vũ trụ Nga: Sao Kim là địa ngục thực sự - 2

Hình ảnh bề mặt sao Kim do tàu đổ bộ Venera 14 của Liên Xô chụp vào năm 1982.

Giám đốc cơ quan Vũ trụ Nga: Sao Kim là địa ngục thực sự - 3

Một hình ảnh khác do tàu Venera chụp. Con tàu đổ bộ này chỉ tồn tại được 57 phút trên bề mặt nóng 465 độ C và áp suất lớn gấp 94 lần áp suất trên Trái Đất.

Năm 1985, Liên bang Xô Viết kết thúc công cuộc thám hiểm sao Kim bằng tàu vũ trụ đôi Vega, mỗi con tàu đơn rải những khinh khí cầu khổng lồ mang theo nhiều thiết bị khoa học để thí nghiệm khả năng những tàu thám hiểm có thể trôi nổi trong những đám mây ở đây hay không.

Càng về cuối cuộc Chiến tranh Lạnh, chương trình vũ trụ Xô Viết càng chậm lại và rồi họ dừng hẳn các con tàu lên sao Kim. Mặc dù chương trình vũ trụ của Nga đã bàn đến việc thám hiểm sao Kim trong tương lai, nhưng chưa có gì trở thành hiện thực.