1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ếch cái giả chết vì bị ếch đực ép giao phối

Minh Khôi

(Dân trí) - Nghiên cứu mới cho thấy ếch cái đang trở nên ít thụ động hơn trong giai đoạn sinh sản bùng nổ. Chúng bắt đầu có xu hướng né tránh những con ếch đực tiếp cận để giao phối.

Ếch cái giả chết vì bị ếch đực ép giao phối - 1

Giả chết là một trong những biện pháp tự vệ của ếch cái trước sự ép buộc giao phối của con đực (Ảnh: Getty).

Trong thế giới động vật, chúng ta từng chứng kiến rất nhiều phương thức độc đáo được các loài vật thực hiện nhằm chiếm được bạn tình, cũng như có cơ hội được giao phối, duy trì giống loài. Thế nhưng, loài ếch cỏ sống ở châu Âu (tên khoa học: Rana temporaria) dường như lại đang né tránh điều này.

Cụ thể, nhiều cá thể ếch cái được bắt gặp với ít nhất 3 hành vi cho thấy chúng đang né tránh việc giao phối từ ếch đực. Một trong số đó bao gồm việc chúng giả chết để tránh sự chú ý từ ếch đực. Ngoài ra, ếch cái còn bắt chước âm thanh của con đực, nhằm đánh lừa những "đối tượng" mà chúng không mong muốn.

Lý giải cho điều này, Tiến sĩ Carolin Dittrich, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết giao phối ở một số loài động vật có thể gây ra nhiều kết quả bất lợi cho các cá thể liên quan. Thậm chí trong một số trường hợp có thể dẫn đến cái chết của cá thể đó.

Do vậy, việc chọn lọc của những con ếch cái dường như hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt là khi ếch thường được biết đến là loài sinh sản bùng nổ.

Theo đó, cứ mỗi mùa giao phối, những con ếch đực sẽ cố gắng giao phối với càng nhiều con cái càng tốt. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quá tải nếu như có quá nhiều con đực, và chỉ một, hoặc một vài cá thể cái.

Trước đây, người ta từng cho rằng ếch cái luôn tỏ ra thụ động, và không hề phản kháng trong chuyện sinh sản. Cũng bởi vậy mà nhiều trường hợp đã ghi nhận ếch cái chết đuối do ếch đực vô tình "dìm chết" chúng dưới nước.

Thế nhưng dần theo thời gian, các nhà nghiên cứu quan sát thấy ếch cái ít tỏ ra thụ động hơn trong giai đoạn sinh sản bùng nổ. Trái lại, chúng đang có xu hướng né tránh, và chỉ chọn lọc một vài cá thể đực nhất định.

Các nhà nghiên cứu còn đề xuất thêm rằng việc nghiên cứu chỉ số căng thẳng ở những con ếch này có thể làm sáng tỏ hành vi của chúng, cũng như các khía cạnh mà chúng ta chưa từng biết, thậm chí chưa từng nghĩ tới.

Theo www.theguardian.com