Có thể quan sát hành tinh trong Hệ Mặt Trời bằng mắt thường

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Theo các nhà thiên văn học, trong suốt tháng 1, bầu trời đêm sẽ đặc biệt thuận lợi cho việc quan sát một số hành tinh trong Hệ Mặt Trời, đáng chú ý là một sao chổi sắp bay qua rất gần Trái Đất.

Sao chổi C/2022 E3 được chụp bởi nhiếp ảnh gia thiên văn Hisayoshihi Sato, đây được coi là sao chổi bay qua gần Trái Đất nhất sau hơn 50.000 năm (Ảnh: NASA).

Sao chổi C/2022 E3 được chụp bởi nhiếp ảnh gia thiên văn Hisayoshihi Sato, đây được coi là sao chổi bay qua gần Trái Đất nhất sau hơn 50.000 năm (Ảnh: NASA).

Quan sát các sao trong Hệ Mặt Trời

Những người yêu thích ngắm nhìn bầu trời đêm sẽ có thể quan sát những hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta trong suốt tháng 1.

Nếu không có kính viễn vọng hoặc ống nhòm, chúng ta vẫn có thể dễ dàng quan sát được Sao Hỏa bên cạnh Mặt Trăng, nằm cao ở phía Đông Nam của bầu trời đêm từ ngày 2/1 đến hết tháng.

Cụ thể, Sao Hỏa trong khoảng thời gian này sẽ nằm vị trí trong phần bầu trời chứa chòm sao Kim Ngưu hay chính giữa chòm sao Thất Nữ và sao Aldebaran - ngôi sao sáng nhất màu đỏ trong chòm sao Kim Ngưu).

Lưu ý rằng, để phân biệt một tiểu hành tinh với một ngôi sao bằng mắt thường, một mẹo đơn giản là tìm kiếm vật thể không lấp lánh trên bầu trời đêm.

Bên cạnh đó, từ ngày 18 đến ngày 24/1/2023, Sao Kim và Sao Thổ sẽ rất gần nhau, tạo thành một chấm sáng từ di chuyển từ phía Tây Nam xuống đến đường chân trời, nó sẽ xuất hiện khoảng 45 phút sau khi Mặt Trời lặn và chúng sẽ gần nhau nhất vào ngày 22/1.

Ngoài ra, ở một số khu vực Bán Cầu Bắc trong tháng 1, bầu trời trong lành, một số chòm sao chứa các ngôi sao sẽ sáng hơn bình thường như trong chòm sao Lạp Hộ, Kim Ngưu và Song Tử.

Đáng chú ý nhất trong tháng này chính là quan sát một sao chổi có tên C/2022 E3 (ZTF), sẽ bay qua rất gần Trái Đất và con người có thể quan sát bằng mắt thường.

Nó được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3/2022, từ camera giám sát trường rộng cơ sở Zwicky Transient Facility, do Quỹ Khoa học Quốc Gia Mỹ điều hành. Khi đó, nó đang di chuyển qua quỹ đạo của Sao Mộc.

Theo NASA, tại thời điểm phát hiện ra sao chổi này, nó có cường độ hấp dẫn (G) khoảng 17,3 và đã tăng lên 10 vào tháng 11/2022, ước tính nó sẽ đạt cường độ 6 khi di chuyển qua Trái Đất. Lưu ý, cường độ càng thấp, thiên thể xuất hiện càng sáng.

Những hình ảnh hiện tại về sao chổi cho thấy, nó đang tỏa ra một "vầng hào quang sáng" từ băng, khí và bụi, đồng thời tạo thành chiếc đuôi dài và nó sẽ bốc hơn khi đến gần Mặt Trời.

Vào ngày 12/1/2023, sao chổi này sẽ cách Mặt Trời 160 triệu km và cách Trái Đất 42 triệu km vào ngày 2/2. Đây được coi là lần quan sát bằng mắt thường đầu tiên của con người thời hiện đại, vì nó có chu kỳ khoảng 50.000 năm.

Lần cuối cùng một sao chổi bay gần Trái Đất như vậy là thời Đồ đá cũ. Những người có thể từng trông thấy nó là người tinh khôn (Homo sapiens) thuở sơ khai, sống ở kỷ Băng Hà cuối cùng và người Neanderthal tuyệt chủng cách đây 10.000 năm.

Khu vực nào có thể quan sát sao chổi

Từ ngày 12/1 đến ngày 2/2/2023, chúng ta có thể có cơ hội nhìn thấy C/2022 E3 trên bầu trời đêm bằng mắt thường. Tuy nhiên, sao chổi đôi khi không thể đoán trước được do nó có thể xảy ra các vụ nổ khiến chúng mờ dần khi đến gần Mặt Trời.

Lớp bụi và khí băng giá của nó có thể bị bay hơi dưới tác động của nhiệt, song chúng ta vẫn có thể nhìn thấy bằng kính thiên văn hoặc ống nhòm trong vài ngày.

Theo đó, nếu chúng ta quan sát từ Bắc Bán Cầu, nó sẽ xuất hiện trên bầu trời ngay trước bình minh ở phía Tây Bắc. Đặc biệt, vào ngày 21/1 sẽ là cơ hội tốt nhất để ngắm nhìn sao chổi này.

Đối với những người quan sát từ Nam Bán Cầu, sẽ dễ dàng quan sát sao chổi này hơn vào đầu tháng 2.