Động vật có hiểu "ngôn ngữ" của loài khác?
(Dân trí) - Mỗi loài động vật lại có cách riêng để giao tiếp và tiếp nhận môi trường xung quanh. Thế nhưng liệu chúng có thực sự hiểu được các loài khác hay không?
![Động vật có hiểu ngôn ngữ của loài khác? - 1 Động vật có hiểu ngôn ngữ của loài khác? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/JJtLEcEqIMsuLG3meAatnHkbGHM=/thumb_w/1020/2025/02/17/giao-tiep-1739784926547.jpg)
Mỗi loài động vật lại có cách giao tiếp khác nhau, nhưng liệu chúng có "hiểu" nhau? (Ảnh: Getty).
Giao tiếp trong thế giới động vật vô cùng phức tạp. Điển hình như voi có thể chào nhau bằng cách vẫy tai và phát ra âm thanh trầm, cá nhà táng thay đổi tiếng kêu "lách cách" tùy theo ngữ cảnh, và các đàn chuột chũi thậm chí còn có "giọng địa phương" của riêng chúng.
Với sự đa dạng trong cách thức trao đổi thông tin như vậy, liệu một loài có thể học được "ngôn ngữ" của loài khác không?
Bằng chứng về khả năng "học hỏi" giao tiếp giữa các loài
Dù động vật không có ngôn ngữ theo cách mà con người hiểu, nhưng chúng thực ra có thể học và sử dụng tín hiệu hoặc âm thanh của loài khác để phục vụ mục đích riêng. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số loài có thể hiểu, và thậm chí sử dụng âm thanh của loài khác.
Một trong những nhóm động vật được nghiên cứu nhiều nhất về khả năng này là chim.
Theo đó, chim sơn ca có thể hiểu được tiếng kêu của các loài chim khác trên đường di cư, từ đó giúp chúng tránh xa sự nguy hiểm và gia tăng khả năng định hướng trong suốt hành trình.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy những mô hình phi ngẫu nhiên trong giọng hót của chim, và phát hiện rằng các loài khác nhau có thể giao tiếp với nhau ở một mức độ nhất định.
Điều này bác bỏ quan niệm trước đây rằng các loài chim di cư thực hiện hành trình của chúng một cách đơn độc.
![Động vật có hiểu ngôn ngữ của loài khác? - 2 Động vật có hiểu ngôn ngữ của loài khác? - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/OtdT3O2mbEKhdiuzxj2fJFLRu9E=/thumb_w/1020/2025/02/17/2400-1739785002079.jpeg)
Chim drongo đuôi chẻ có khả năng bắt chước tiếng kêu của các loài khác, nhưng không rõ rằng liệu chúng có thực sự "hiểu" ý nghĩa của tiếng kêu đó hay không (Ảnh: Wiki).
Học một "ngôn ngữ" khác không chỉ là hiểu được âm thanh, mà còn là khả năng bắt chước và sử dụng nó một cách có chủ đích. Một ví dụ điển hình về khả năng này là chim drongo đuôi chẻ (tên khoa học: Dicrurus adsimilis), một loài chim nhỏ màu đen sống ở châu Phi.
Loài chim này có thói quen theo dõi các loài động vật khác với hy vọng có thể đánh cắp thức ăn của chúng.
Bằng khả năng đặc biệt, chúng phát ra những âm thanh cảnh báo tựa như thú săn mồi, khiến các loài gặm nhấm nhỏ như cầy meerkat hoảng sợ và chui vào hang. Từ đó, chim drongo bay tới và tranh thủ đánh cắp thức ăn bị bỏ lại.
Tuy nhiên, cách thức này không mang đến mức độ hiệu quả 100%. Cụ thể, khi những con cầy meerkat nhận ra rằng tín hiệu cảnh báo là giả, chúng sẽ ngừng phản ứng và không bỏ lại thức ăn.
Lúc này, một số cá thể chim drongo sẽ thích nghi và bắt chước âm thanh cảnh báo của loài khác, thậm chí là chính tiếng kêu của cầy meerkat. Nhờ việc thay đổi liên tục các âm thanh cảnh báo, loài chim này có thể tiếp tục đánh lừa các loài khác nhau và kiếm ăn thành công.
"Chúng biết cách bắt chước loài mà chúng đang theo dõi", Thomas Flower, nhà nghiên cứu tại Đại học Capilano (Canada), cho biết. "Bằng cách đó, chúng có thể tiếp tục duy trì chiến thuật của mình, và thậm chí còn lừa cả các loài chim khác".
Học tập hay hành vi có chủ đích?
![Động vật có hiểu ngôn ngữ của loài khác? - 3 Động vật có hiểu ngôn ngữ của loài khác? - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/tQA6CbUj5RhavPiWAa6m6bqVSUI=/thumb_w/1020/2025/02/17/cg-298-1739785321745.jpg)
Một số loài chim di cư có khả năng hiểu ngôn ngữ của các loài chim khác trong hành trình của chúng (Ảnh: Getty).
Những phát hiện trên cho thấy chim drongo có khả năng học hỏi âm thanh của loài khác một cách linh hoạt để phục vụ lợi ích cá nhân. Khi một âm thanh không còn hiệu quả, chúng có thể nhanh chóng chuyển sang một âm thanh khác.
Điều này cho thấy động vật hoàn toàn có khả năng tiếp thu và sử dụng các dạng ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chim drongo có thực sự hiểu rằng chúng đang đánh lừa các loài khác hay không?
Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc drongo có nhận thức về hành vi đánh lừa của chúng. Nguyên nhân là bởi điều này liên quan đến mức độ nhận thức phức tạp hơn.
Một số giả thuyết cho rằng, có thể chúng chỉ học theo nguyên tắc "làm thử - thất bại - rồi lại làm thử". Kết quả, chúng dần hiểu rằng một số âm thanh nhất định sẽ dẫn đến kết quả mong muốn.
Thomas Flower cho biết việc chứng minh động vật có ý định lừa dối là vô cùng khó khăn, đơn giản vì các thử nghiệm không đủ để chứng minh khả năng của chúng.
Lấy thí dụ ở con người, chuyên gia này cho biết trẻ nhỏ ban đầu có thể bắt chước âm thanh mà không hiểu ý nghĩa của chúng, nhưng dần dần sẽ học được ý nghĩa thông qua trải nghiệm. Điều này mở ra nhiều câu hỏi thú vị về khả năng học tập và giao tiếp giữa các loài trong thế giới tự nhiên.