DMagazine

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ

(Dân trí) - Hai chú chó Belka và Strelka trải qua quá trình tuyển chọn và đào tạo khắc nghiệt, rồi hoàn tất chuyến bay vào không gian, mở ra chương mới cho lịch sử ngành hàng không vũ trụ Liên Xô thời bấy giờ.

Tháng 8 năm 1960, hai chú chó được đặt tên là Belka và Strelka đã hoàn thành chuyến bay lên vũ trụ trên một con tàu của Liên Xô. Chúng ở lại quỹ đạo trọn một ngày và sau đó trở về Trái đất một cách an toàn. Có thể nói rằng, Belka và Strelka chính là những sinh vật sống đầu tiên tồn tại trong không gian vũ trụ, trước cả con người. 

Sau khi trở về Trái Đất bình an, hai chú chó đã trở thành tâm điểm của truyền thông trên khắp thế giới. Sau đó, cũng chính Belka và Strelka đã là nguồn khích lệ lớn lao, để giúp Liên Xô tự tin đưa con người vào vũ trụ chưa đầy một năm sau đó. 

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 1

Theo các nhà khoa học vũ trụ, động vật vốn dĩ đã được sử dụng trong các chuyến bay từ rất lâu trước khi con người rời khỏi hành tinh xanh và vươn tới các vì sao. Trong những năm đầu của ngành hàng không vũ trụ, hầu hết các loại sinh vật sống từ động vật gặm nhấm, thằn lằn, rùa, cho đến khỉ… đều đã được đưa lên tên lửa và phóng ra ngoài không gian để thử nghiệm khả năng thích nghi của chúng với môi trường không trọng lực.

Khi những động vật này quay trở lại, các nhà khoa học sẽ đo lường tác động tâm lý và quan sát sự thay đổi về sinh lý của chúng để nghiên cứu về tác động của việc tiếp xúc với không gian lên các mô, tế bào sống.

Từ đó, các nhà khoa học hy vọng rằng sẽ có đối chiếu cụ thể và lường trước những điều có thể xảy ra với con người khi chúng ta thực sự bước vào môi trường không trọng lực - thứ vốn là bài toán hóc búa trong suốt hàng thập kỷ.

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 3

Trong khi người Mỹ thử nghiệm với khỉ và tinh tinh, người Liên Xô thích sử dụng chó hơn. Nguyên nhân là vì chúng dễ huấn luyện, dễ thích nghi với không gian hạn chế và thường sẽ hình thành các mối quan hệ tình cảm với con người. Do vậy, các nhà khoa học sẽ dễ có những đánh giá về cảm xúc của chúng nếu như điều này bị thay đổi trong suốt quá trình du hành không gian.

Quan trọng hơn, chó rất dễ tìm. Hầu hết những chú chó được lựa chọn để bay vào vũ trụ đều được "tuyển dụng" từ đường phố do đi chúng đi lạc, hay có thể bị bỏ rơi trong điều kiện không ai chăm sóc. 

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 5

Bà Lyudmila Radkevich, từ chương trình vũ trụ Nga Vostok nổi tiếng - mà sau này đã đưa nhà du hành Yuri Gagarin lần đầu tiên vào không gian, nhớ lại những lần cầm theo thước kẻ, băng qua các vùng ngoại ô ở Moscow trên chiếc xe do một người lính điều khiển để tìm kiếm những con chó đi lạc. 

Theo tài liệu để lại từ thời Liên Xô, những con chó này phải đảm bảo kích thước nhất định, như chiều cao đến vai không quá 35 cm và cân nặng tối đa lên đến 6 kg, chủ yếu để chúng có thể nằm gọn trong khoang chứa nhỏ bé của tàu vũ trụ.

Theo thống kê, đã có khoảng 60 con chó từ 1,5 đến 3 tuổi được lựa chọn khi bắt đầu chương trình, nhưng chỉ có khoảng 10 cá thể thực sự được huấn luyện cho các chuyến bay lên quỹ đạo Trái Đất. Một đặc điểm quan trọng, đó là chỉ những con chó cái mới có thể tham gia chương trình, vì chúng yêu cầu hệ thống xử lý chất thải đơn giản hơn nhiều. 

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 7

Để đạt yêu cầu, những con chó được kiểm tra y tế và trải qua các chương trình huấn luyện khắc nghiệt, như được đưa vào bên trong máy ly tâm mô phỏng gia tốc cao và mặc bộ quần áo vũ trụ trong nhiều giờ liên tục.

Trước khi được lên mô-đun gắn kèm tên lửa, những con chó phải làm quen trong những lồng chứa với kích thước giảm dần mỗi 15-20 ngày. Ngay cả khi đã lên tàu vũ trụ, những con chó vẫn được gắn các cảm biến tim mạch, huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ và chuyển động. Một vài con thậm chí đã được phẫu thuật để đặt các cảm biến vào bên trong cơ thể. 

Các nhà khoa học quyết định rằng những con chó sẽ được phóng lên theo cặp, vì chúng có xu hướng cảm thấy tốt hơn và bình tĩnh hơn khi được đi cùng đồng loại.  

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 9
Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 11

Nỗ lực đầu tiên của Liên Xô vào ngày 28/7/1960 đã kết thúc trong một thảm kịch, khi một bộ tăng áp phát nổ ngay sau khi phóng. Vụ tai nạn giết chết hai con chó đầu tiên được lựa chọn là Chaika và Lisichka khi chúng bị mắc kẹt trên tàu. Chỉ 18 ngày sau, các nhà khoa học ở Liên Xô tiếp tục thực hiện một chuyến bay khác.

Lần này đến Vilna và Kaplya - cặp đôi được cho là thông minh, nhanh trí và cũng cứng cỏi nhất. Một trong những nhà khoa học đề xuất đổi tên chúng thành Belka và Strelka để thu hút truyền thông quốc tế. Có lẽ, điều này đã giúp chúng có được sự may mắn ngay trong lần phóng thử tên lửa thứ 2 của Liên Xô.

Ngày 19/8/1960, Belka và Strelka chính thức được đưa vào quỹ đạo cùng với một vài sinh vật sống khác trên Trái Đất, bao gồm thỏ, chuột thí nghiệm, chuột cống, ruồi và một số loài nấm, thực vật…

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 13

"Vụ phóng tên lửa diễn ra tốt đẹp, tất cả dữ liệu y tế thu được từ bộ đồ vũ trụ của hai con chó đều ổn định và bình thường", Vix Southgate, tác giả của cuốn sách 'Dogs in Space: The Amazing True Story of Belka và Strelka' kể lại.

Từ đoạn video ghi lại trên tàu, người ta cũng có thể thấy những con chó di chuyển xung quanh một cách bình thường và sủa. Dữ liệu y tế cho thấy chúng hoàn toàn bình tĩnh và không quá căng thẳng. 

Sau 25 giờ bay, gồm 17 lần tàu di chuyển ở quỹ đạo quanh Trái Đất, bộ điều khiển mặt đất nhận được tín hiệu, con tàu quay trở lại mặt đất và hạ cánh nhẹ nhàng.

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 14

Khi chiếc hộp được mở ra, bên trong là Belka và Strelka dường như không hề hấn gì với trải nghiệm phi thường này. Ban đầu chúng có hơi uể oải và chán ăn, song điều này được giải thích là do quá căng thẳng. Mọi thứ sớm trở lại bình thường sau đó ít ngày. 

Chuyến đi đã biến Belka và Strelka thành những nhân vật nổi tiếng. Hình ảnh của hai con chó được in trên bưu thiếp, tem và áp phích. Chúng thậm chí đã xuất hiện trên truyền hình và trở thành ngôi sao được "săn lùng" nhiều nhất trên các chương trình talkshow. 

Chuyện về Belka và Strelka - hai chú chó Liên Xô tiên phong bay vào vũ trụ - 16

Pushinka sống cùng gia đình Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Belka và Strelka đã sống một cuộc sống viên mãn trong hòa bình và thoải mái tại Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Y học Hàng không và Không gian của Liên Xô. Sau này, cả hai con chó đều sống tới già. Strelka đã có 6 chú chó con khỏe mạnh, còn Belka cũng sinh được 4 chú chó con.

Một trong số những đứa con của Strelka là Pushinka được đích thân Phu nhân Tổng thống Mỹ bấy giờ là bà Jaqueline Kennedy nhận nuôi, trong chuyến viếng thăm của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev với Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. 

Khi Tổng thống Kennedy bị ám sát vào năm 1963, Pushinka được trao lại cho một người làm vườn của Nhà Trắng, và sau đó tiếp tục sinh ra một lứa chó con khác. Nhà sử học Andrew Hager đã cố gắng truy tìm lại hậu duệ của Pushinka - cũng như Strelka. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kết quả. Ông khẳng định: "Chắc chắn, vẫn còn tồn tại hậu duệ của những con chó vũ trụ Nga này trên đất Mỹ".