DNews

Chinh phục không gian: Cuộc đua giành các vì sao giữa Hàn Quốc - Triều Tiên

Nam Đoàn

(Dân trí) - Hàn Quốc và Triều Tiên đều thực hiện phóng vệ tinh giám sát đầu tiên của riêng mình lên quỹ đạo, đánh dấu cuộc đua giành các vì sao giữa hai quốc gia.

Chinh phục không gian: Cuộc đua giành các vì sao giữa Hàn Quốc - Triều Tiên

Ngày 22/11, Triều Tiên tuyên bố triển khai thành công vệ tinh quân sự bí mật Malligyong-1 lên quỹ đạo, bất chấp các cảnh báo và lệnh trừng phạt của quốc tế.

Sau khi vụ phóng thành công, hình ảnh về vị lãnh đạo quốc gia Kim Jong-un tươi cười trong bữa tiệc vinh danh các nhà khoa học trong sứ mệnh Malligyong-1 được truyền thông nhà nước lan rộng. 

Nó đánh dấu chiến thắng to lớn của Triều Tiên và thể hiện niềm tự hào của cả dân tộc sau khi quốc gia trải qua một loạt thất bại trong các chương trình vũ trụ của riêng mình.

Mặc dù vậy, động thái chiến lược phóng vệ tinh trinh sát đã vấp phải làn sóng phản đối từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và các đồng minh.

Chuyên gia tên lửa và hàng không vũ trụ, Markus Schiller, nhớ lại : "Việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo luôn phức tạp. Triều Tiên đã thực hiện hai lần phóng vào năm 2012 và 2016, nhưng đây là lần đầu tiên quốc gia này thành công". 

Chinh phục không gian: Cuộc đua giành các vì sao giữa Hàn Quốc - Triều Tiên - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên quan sát buổi phóng vệ tinh do thám Malligyong-1 (Ảnh: L'express).

Đối với Bình Nhưỡng, chiến thắng càng ngọt ngào hơn khi nó đến trước người hàng xóm Hàn Quốc, quốc gia vừa phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên vào tối 1/12. Đây là một phần trong hợp đồng với SpaceX, Seoul có kế hoạch đưa 5 tên lửa vào quỹ đạo vào năm 2025.

"Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã đưa vệ tinh do thám đầu tiên của Hàn Quốc lên quỹ đạo từ California (Mỹ). Hơn một giờ sau khi phóng, vệ tinh đã thành công kết nối liên lạc với trạm mặt đất ở nước ngoài", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết ngày 1/12.

Làm thế nào một quốc gia nền kinh tế "mong manh" như Triều Tiên lại có thể vượt qua nước láng giềng? 

Theo các chuyên gia, đất nước này đi trước Hàn Quốc một bước. Họ đã có những nỗ lực phát triển vệ tinh giám sát từ năm 1998, trước khi quốc gia xứ sở kim chi thức tỉnh và bắt tay vào nghiên cứu công nghệ tiên tiến này.

Đi cùng với đó, các nguồn lực được đầu tư lớn trong việc phát triển năng lực tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là tiền đề quan trọng để đất nước hướng vào ngành công nghiệp vũ trụ. 

Nhà khoa học Jonathan McDowell, Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết: "Chương trình không gian của Triều Tiên rõ ràng được hưởng lợi từ các dự án quân sự của nước này, nhưng chúng hoạt động theo những cách rất khác biệt".

Sự giúp đỡ từ Moscow?

Dòng tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên có thể truyền cảm hứng cho việc chế tạo Chollima-1, bệ phóng vệ tinh do thám đầu tiên của Bình Nhưỡng.  Nó giống như thế hệ tên lửa Atlas tầm xa của Mỹ, được quân đội nước này cải tiến để có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo. 

Đây là một lợi thế rõ ràng hơn so với Hàn Quốc, vốn bị hạn chế bởi một thỏa thuận được ký kết với Hoa Kỳ vào năm 1970.

Theo đó, Seoul buộc phải hạn chế việc phát triển các dòng tên lửa đạn đạo để đổi lấy công nghệ từ đồng minh Mỹ. Hàn Quốc kể từ đó đến nay chỉ có thể thiết kế và phát triển thành công dòng tên lửa vũ trụ Nuri, nó mang 8 vệ tinh lên quỹ đạo vào tháng 5 vừa qua. 

Chinh phục không gian: Cuộc đua giành các vì sao giữa Hàn Quốc - Triều Tiên - 2

Tên lửa Nuri của Hàn Quốc trong vụ phóng đưa 5 vệ tinh lên quỹ đạo vào tháng 5 vừa qua (Ảnh: CNN).

Trang Schiller bình luận, Hàn Quốc đang tìm cách ngang hàng với Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa và vũ trụ. Thành công trong việc phóng vệ tinh giám sát của riêng mình sẽ có uy tín hơn là sự hợp tác với một quốc gia khác.

Trên thực tế, Seoul phần lớn chỉ có thể dựa vào các chuyến bay tên lửa nước ngoài, theo dạng hợp đồng để phát triển mạng lưới vệ tinh của mình. Lựa chọn này là không thể có được đối với Bình Nhưỡng, vốn bị Mỹ và đồng minh hạn chế tuyệt đối trong việc hợp tác phát triển tên lửa và vệ tinh.

Song đất nước này đã tự mình phóng được vệ tinh giám sát Chollima-1.

Nếu Hàn Quốc cho rằng, đằng sau thành công này là cái bóng của Điện Kremlin thì đất nước xứ sở kim chi không đưa ra bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cho cáo buộc này. 

Chinh phục không gian: Cuộc đua giành các vì sao giữa Hàn Quốc - Triều Tiên - 3

Tổng thống Nga gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Trung tâm Vũ Trụ Vostochny hồi tháng 9 vừa qua (Ảnh: AFP).

Trong cuộc gặp vào tháng 9 tại Trung Tâm Vũ trụ Vostochny (Nga), Tổng thống Vladimir Putin đã thảo luận với ông Kim Jong-un về sự hỗ trợ của Nga đối với chương trình vũ trụ của Triều Tiên.

Jonathan McDowell cho biết: "Tôi cho rằng, đây là một lời hứa của tương lai, vì thời gian quá ngắn để Nga có thể giúp đỡ Triều Tiên nhanh chóng phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo từ sau cuộc gặp giữa hai vị lãnh đạo. Nước Nga có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho thế hệ vệ tinh hoặc tên lửa tiếp theo của Triều Tiên". 

Mất cân bằng 

Triều Tiên không có ý định dừng lại ở dấu mốc này, quốc gia đặt mục tiêu đưa vệ tinh vào quỹ đạo địa tĩnh để phát triển mạng lưới viễn thông. Để đạt được điều này, đất nước phải tìm cách hợp pháp hóa mong muốn của mình về không gian. 

Bình Nhưỡng rất thận trọng và cân nhắc khi nói đến các chương trình vệ tinh, do các vụ thử nghiệm tên lửa của quốc gia luôn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của phương Tây cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Chinh phục không gian: Cuộc đua giành các vì sao giữa Hàn Quốc - Triều Tiên - 4

Tên lửa Falcon của SpaceX đưa vệ tinh do thám đầu tiên của Hàn Quốc lên quỹ đạo đầu tháng qua (Ảnh: 20min).

Chính vì thế, ba lần phóng Chollima-1, Triều Tiên đã thông báo tới Tổ chức Hàng hải Quốc tế hay Nhật Bản nhằm ngăn chặn các mảnh vỡ rơi xuống các tàu biển, tránh gây xung đột ngoại giao với các quốc gia. 

Các chuyên gia nhận định, tham vọng không gian của lãnh đạo Kim Jong-un vẫn mang tính quân sự. Bởi vì, mục đích các chương trình không gian của Hàn Quốc chính là hợp tác, chia sẻ thông tin và hình ảnh do vệ tinh giữa các quốc gia cung cấp.

Trong lĩnh vực này, Triều Tiên vẫn cho thấy sự mất cân bằng lớn đối với nước láng giềng. Quốc gia này không có trạm chuyển tiếp thông tin bên ngoài lãnh thổ và chỉ với một vệ tinh đang hoạt động là Malligyong-1, Triều Tiên còn rất lâu mới có thể thu thập thông tin và hình ảnh theo thời gian thực. 

Hiện tại, Triều Tiên chỉ có thể chụp được ảnh hai hoặc ba lần trong ngày, khi vệ tinh bay qua đất nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những bức ảnh do Malligyong-1 chụp được công bố, chúng không thể tốt hơn nhiều so với ảnh vệ tinh thương mại.

Với các công ty bình phong, họ có thể mua những bức ảnh đẹp hơn với giá vài nghìn đô la và có quyền truy cập vào hình ảnh từ hàng chục vệ tinh của các quốc gia.

Về phần mình, Seoul đã có mạng lưới vệ tinh rộng lớn và chuyên môn sâu hơn đáng kể.

McDowell chia sẻ: "Hàn Quốc có hơn ba mươi năm kinh nghiệm trong việc phân tích hình ảnh vệ tinh và trong lĩnh vực cảm biến điện tử, họ đã đi trước Triều Tiên tới 20 năm.

Một liên minh giữa các bệ phóng tên lửa của Triều Tiên và công nghệ Hàn Quốc sẽ mang lại cho Triều Tiên thống nhất diện mạo của một cường quốc không gian. Song điều này dường như khó có thể xảy ra".