Cầu lửa xanh thắp sáng bầu trời đêm

Minh Khôi

(Dân trí) - Một thiên thạch lao qua bầu trời đêm ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tối 18/5 (theo giờ địa phương) đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người quan sát.

Cầu lửa xanh thắp sáng bầu trời đêm - 1

Một camera ghi lại hình ảnh quả cầu lửa sáng rực khi nó phóng đi trên bầu trời Bồ Đào Nha vào tối 18/5 (Ảnh: ESA/PDO/AMS82 - AllSky7).

Thiên thạch được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) xác nhận, đã bay qua bầu trời đêm tại một số khu vực thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tối 18/5 (theo giờ địa phương), tạo nên hiện tượng sao băng kỳ thú. Nó phát ra ánh sáng màu xanh lam.

Theo ESA, thiên thạch này vốn dĩ là một mảnh của sao chổi, di chuyển với tốc độ khoảng 160.934 km/h, gấp 65 lần tốc độ tối đa của một máy bay phản lực chiến đấu Lockheed Martin F-16.

Trước mối lo ngại rằng thiên thạch có thể lao vào Trái Đất, ESA cho biết thêm rằng điều này không có khả năng xảy ra, bởi thiên thạch có khả năng đã bị phá hủy phía trên Đại Tây Dương, ở độ cao khoảng 60 km so với Trái Đất.

ESA cũng tiết lộ rằng các chuyên gia tại Văn phòng Phòng thủ Hành tinh đang phân tích kích thước và quỹ đạo của vật thể nhằm đánh giá khả năng về các vật chất được đưa nó lên bề mặt Trái Đất.

Sao băng thường là mảnh vật chất bị phân tách ra khỏi những vật thể lớn hơn như tiểu hành tinh, sao chổi, mặt trăng hay thậm chí là các hành tinh khác.

Chúng di chuyển vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ cao, tạo ra ma sát, để rồi phát sáng rực rỡ, thậm chí là vệt sáng kéo dài trên bầu trời trong vài giây ngắn ngủi.

Cầu lửa xanh thắp sáng bầu trời đêm - 2

Ánh sáng phát ra từ sao băng nói lên thành phần hóa học của chúng (Ảnh: Space).

Theo ước tính của ESA, khoảng 90 - 95% vật chất giữa các vì sao di chuyển đến Trái Đất theo cách này, và không tồn tại đủ lâu để chạm tới mặt đất.

Nếu một thiên thạch lao xuống bề mặt, nó thường ở dạng bụi, hoặc các hạt rất nhỏ. Do đó, hậu quả để lại sau va chạm gần như là không đáng kể.

Giống như các nguyên tố hóa học được sử dụng để tạo ra pháo hoa, màu sắc của những quả cầu lửa này cũng nói lên thành phần hóa học của chúng.

Theo đó, ánh sáng màu xanh lam/xanh lục của sao băng là dấu hiệu cho thấy hợp chất chứa magie đang bị đốt cháy.

Nếu ánh sáng của sao băng có màu tím, thiên thạch có thể chứa can-xi. Ngược lại nếu chúng có màu vàng, hoặc cam, thì nhiều khả năng chứa natri hoặc sắt.

Theo www.space.com