1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Biến đổi gen ở virus COVID-19 tương tự biến đối ở HIV, Ebola

Các nhà khoa học tin rằng đây có thể là nguyên nhân khiến virus COVID-19 có thể lây nhiễm mạnh từ người sang người.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc và châu Âu cho thấy virus COVID-19 có những biến đổi giống như virus HIV (hội chứng suy giảm miễn dịch), báo South China Morning Post ngày 27-2 đưa tin.

COVID-19 gắn chặt tế bào người mạnh gấp 1.000 lần SARS

Theo đó, virus COVID-19 có khả năng liên kết và gắn chặt vào các tế bào nhiễm bệnh ở người mạnh gấp 1.000 lần so với virus SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), dù cả hai cùng thuộc họ virus Corona.

Phát hiện này có thể mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguồn bệnh, kiểm soát lây nhiễm và chống lại dịch bệnh một cách tốt nhất. 

Biến đổi gen ở virus COVID-19 tương tự biến đối ở HIV, Ebola - 1

Ảnh minh họa. Ảnh: SCMP

Trước đó, các nhà khoa học đã chứng minh rằng virus SARS gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng thâm nhập vào cơ thể người và liên kết với protein thụ thể có tên là ACE2 trên màng tế bào.

Trong khi đó, các loại virus có đặc tính lây nhiễm cao như HIV hay Ebola (sốt xuất huyết châu Phi) lại tấn công vào một loại enzyme có tên là furin.

Thông thường, nhiều loại protein không hoạt động hoặc tạm thời không hoạt động trong tế bào và bị "phân cắt" tại một số điểm cụ thể trong chuỗi amino acid để kích hoạt các chức năng khác.

Trong trường hợp của ACE2, protein này không xuất hiện với số lượng lớn ở những người khỏe mạnh. Đây là lý do vì sao dịch SARS lây lan ở một mức độ tương đối hạn chế với khoảng 8.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.

Những nghiên cứu ban đầu về sự lây nhiễm virus COVID-19 cho thấy chúng chia sẻ 80% cấu trúc gen của virus SARS. Do đó, có thể con đường lây nhiễm cũng là tương tự.

Khi xem xét trình tự gen của virus COVID-19, giáo sư Ruan Jishou và đồng sự tại Đại học Nam Khai ở TP Thiên Tân đã tìm thấy một phần gen biến đổi không hề xuất hiện ở virus SARS nhưng lại tương tự như đoạn gen xuất hiện ở virus HIV hay Ebola.

"Phát hiện mới cho thấy virus COVID-19 có thể khác biệt đáng kể so với virus SARS thuộc cùng họ virus Corona trong con đường lây nhiễm", nhóm chuyên gia đã công bố báo cáo lên chuyên trang nghiên cứu chưa qua thẩm định Chinaxiv.org trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.

"Chủng virus này có thể dùng các cơ chế tạo màng của một số chủng virus khác như HIV", báo cáo viết.

Theo nghiên cứu này, các biến đổi có thể tạo ra một cấu trúc được gọi là vị trí phân cắt ở "protein dằm" của virus COVID-19. Các loại virus khác sử dụng các "protein dằm" mạnh mẽ này để gắn vào tế bào chủ, nhưng thường thì protein này không hoạt động.

Vai trò của vị trí phân cắt là để đánh lừa protein furin của con người, khiến chúng kích hoạt "protein dằm" và tạo ra "phản ứng tổng hợp trực tiếp" của màng tế bào và màng virus.

Giải thích vì sao COVID-19 lây nhiễm nhanh hơn SARS

So sánh với virus SARS về con đường lây nhiễm, biện pháp gắn vào tế bào chủ của virus COVID-19 hiệu quả gấp "100 đến 1.000 lần", nghiên cứu cho biết.

Chỉ trong hai tuần sau khi được công bố, báo cáo này đã trở thành tài liệu được tìm xem nhiều nhất trên Chinaxiv.

Một nghiên cứu sau đó của nhóm chuyên gia do giáo sư Li Hua (Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Trung ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) dẫn đầu đã xác nhận phát hiện của chuyên gia Ruan.

Sự khác biệt nêu trên có thể là "lý do vì sao virus COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao hơn các virus Corona khác", ông Li viết trong một báo cáo cũng được đăng tải trên Chinaxiv.

Trong khi đó, một nghiên cứu của nhà khoa học Pháp Etienne Decroly ở Đại học Aix-Marseille công bố trên tạp chí khoa học Antiviral Research ngày 10-2 cũng nhận thấy "các vị trí phân cắt giống như protein furin" cũng không có trên các chủng virus họ Corona tương tự.

Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Vi sinh Bắc Kinh cho biết cần có các nghiên cứu về trình tự gen để xác nhận "liệu virus COVID-19 có hoạt động giống như dự đoán trên hay không". "Câu trả lời sẽ nói lên cách virus khiến chúng ta mắc bệnh", người này nói tiếp.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, quan điểm và hiểu biết của các nhà khoa học về chủng virus mới này đã thay đổi đáng kể.

Đầu tiên, các nhà khoa học Trung Quốc không xem đây là mối đe dọa lớn, nhưng sự lây nhiễm từ người sang người nhanh chóng đã làm họ phải suy nghĩ lại và nghiên cứu tìm cách dập dịch.

Vật chủ truyền bệnh cũng là một câu hỏi lớn. Ban đầu, người ta cho rằng dơi là động vật truyền virus COVID-19 cho con người nhưng các giả thuyết sau đó còn nêu tên cả tê tê hay rắn trong danh sách vật chủ truyền bệnh.

Tính đến ngày 27-2, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 81.500 người nhiễm virus COVID-19, với 2.770 ca tử vong và hơn 30.000 ca được chữa khỏi, theo South China Morning Post

Theo Pháp luật TPHCM