1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bí mật đằng sau hồ nước có hình trái tim

Minh Khôi

(Dân trí) - Hồ Spirit vốn dĩ chỉ có hình dạng tương tự như nửa trên của hình trái tim, nhưng đã biến đổi theo cách đầy bất ngờ để "tự hoàn thiện" theo thời gian.

Hiện tượng kỳ thú trong tự nhiên

Bí mật đằng sau hồ nước có hình trái tim - 1

Hồ Spirit nằm cách đỉnh núi St. Helens khoảng 5 km về phía bắc và đã bị biến đổi trong đợt phun trào núi lửa vào năm 1980 (Ảnh: NASA).

Tháng 5/1980 đánh dấu một trong những sự kiện địa chất thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ khi núi lửa St. Helens phun trào dữ dội, gây ra trận lở đất lớn nhất từng được ghi nhận trên đất liền.

Thảm họa này đã khiến 57 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ USD (tương đương 3,8 tỷ USD theo giá trị ngày nay).

Sự kiện không chỉ làm thay đổi địa hình xung quanh, mà còn tạo ra một hiện tượng thiên nhiên độc đáo. Đó là Hồ Spirit, với hình dạng trái tim đầy ấn tượng.

Trước vụ phun trào, Hồ Spirit có diện tích khá nhỏ, với 2 nhánh phía tây và phía đông được nối bằng một eo nước hẹp. Do vậy khi quan sát từ trên cao, hồ có hình dáng tương tự nửa trên của một trái tim.

Tuy nhiên, sau vụ sạt lở, diện tích hồ mở rộng và trở nên nông hơn, vô tình tạo nên một hình dạng trái tim hoàn chỉnh. Hiện tại, mặt hồ có diện tích xấp xỉ 11,5 km vuông và mực nước cao hơn 60 mét so với trước đây.

Hồ nước hồi sinh sau thảm họa

Bí mật đằng sau hồ nước có hình trái tim - 2

Những thân cây bị bật gốc trong vụ phun trào núi lửa đã hình thành nên một cấu trúc tựa bè gỗ cố định trên bề mặt hồ (Ảnh: USGS).

Trước khi núi lửa phun trào, Hồ Spirit từng là một điểm du lịch nổi tiếng, với 6 khu trại và nhiều cabin gỗ dọc theo bên bờ. Tuy nhiên sau thảm họa, hầu hết các công trình này đều bị chôn vùi dưới lòng hồ.

Trong những tháng đầu sau vụ phun trào, 40% diện tích hồ bị phủ kín bởi cây cối bật gốc, tạo nên một cấu trúc tựa như "bè gỗ nổi" khổng lồ. Các dòng khí nóng (còn gọi là nhiệt dịch) từ đáy hồ cũng không ngừng phát tán, làm nước trở nên thiếu oxy.

Hệ quả là, Hồ Spirit trở thành một vùng nước gần như không thể duy trì sự sống. Các nhà khoa học cũng dự đoán rằng sẽ mất hàng thập kỷ để hệ sinh thái của Hồ Spirit có thể phục hồi.

Tuy nhiên đến năm 1983, các nhà nghiên cứu bất ngờ phát hiện tảo phù du (tên khoa học: phytoplankton) xuất hiện trên mặt hồ. Chúng cung cấp oxy và khởi động quá trình hồi sinh tự nhiên.

Đến nay, đã 4 thập kỷ sau thảm họa, Hồ Spirit đã chứng minh được sức mạnh tái sinh của tự nhiên. Các loài cá và sinh vật sống dựa vào hệ sinh thái hồ cũng dần xuất hiện, và sinh sôi nhanh chóng.

Vào năm 1985, các kỹ sư đã xây dựng một đường hầm thoát nước dài 2,5 km, giúp hồ duy trì mực nước ổn định, đồng thời hạn chế nguy cơ vỡ bờ, gây ra những trận lũ nghiêm trọng.

Các nhà khoa học thì tập trung nghiên cứu những mảng gỗ nổi trên mặt hồ, vì đây có thể là một phần quan trọng trong chuỗi thức ăn và môi trường sống của các loài sinh vật đang dần quay trở lại.

Theo www.livescience.com