Hòn đảo hứng chịu hàng ngàn trận động đất trong vòng 2 tuần
(Dân trí) - Trong vòng 2 tuần qua, hàng nghìn trận động đất đã xảy ra tại một khu vực nhỏ bé, khiến hàng chục ngàn khách du lịch và người dân phải sơ tán khẩn cấp.
Tình trạng khẩn cấp về chuỗi động đất liên hoàn
![Hòn đảo hứng chịu hàng ngàn trận động đất trong vòng 2 tuần - 1 Hòn đảo hứng chịu hàng ngàn trận động đất trong vòng 2 tuần - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/CE63nKO3xGHBHzo18i_rcDEs2Gw=/thumb_w/1020/2025/02/10/dong-dat-1739151103572.jpg)
Chuỗi động đất bí ẩn xảy ra ở Hy Lạp ghi nhận từ cuối tháng 1 tới nay (Ảnh: Zenodo).
Chính phủ Hy Lạp vừa ban bố tình trạng khẩn cấp trên đảo Santorini, một hòn đảo nằm ở miền nam của biển Aegean và nằm cách Hy Lạp 200km về phía Đông, sau khi xảy ra hàng loạt trận động đất liên tiếp làm rung chuyển hòn đảo này. Mỗi đợt dư chấn của động đất thậm chí chỉ diễn ra cách nhau vài phút.
Theo giới chức địa phương, hiện tượng này bắt đầu vào cuối tháng 1 với nhiều trận động đất nhỏ dưới 3 độ, và hầu như không thể cảm nhận được. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2, hoạt động địa chấn gia tăng đáng kể khi các trận động đất lớn hơn và xuất hiện thường xuyên hơn.
Ghi nhận trong vòng 2 tuần qua, hàng nghìn trận động đất đã xảy ra tại khu vực này. Trung bình mỗi ngày có tới 30 trận động đất trên 4 độ xảy ra ở độ sâu dưới 10 km. Đây là cấp độ động đất đủ lớn để người dân tại các đảo lân cận có thể cảm nhận rõ rệt.
Các trận động đất lớn đã gây ra tình trạng sạt lở dọc theo các vách đá ven biển và gây thiệt hại đối với các công trình xây dựng kém kiên cố.
Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận là 5.1 độ, xảy ra vào ngày 6/2, thậm chí có thể cảm nhận được từ thủ đô Athens, đảo Crete, và một số khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ cách đó hơn 240 km.
Đến nay, khoảng 11.000 khách du lịch và cư dân địa phương đã rời đảo do lo sợ hoạt động địa chấn có thể dẫn tới một vụ phun trào núi lửa.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học địa phương, các dữ liệu theo dõi núi lửa tại Santorini không cho thấy dấu hiệu của một vụ phun trào. Thay vào đó, các trận động đất hiện tại dường như có liên quan đến các đứt gãy địa chất nằm giữa khu vực Santorini và đảo Amorgos lân cận.
Vì sao xảy ra động đất liên hoàn?
![Hòn đảo hứng chịu hàng ngàn trận động đất trong vòng 2 tuần - 2 Hòn đảo hứng chịu hàng ngàn trận động đất trong vòng 2 tuần - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/467DmRvvSZdaKF2p739xx4NjMlM=/thumb_w/1020/2025/02/10/earth-quake-1739151578851.jpg)
Trận động đất làm rung chuyển đảo Santorini đang diễn ra ngày càng dữ dội (Ảnh: AFP).
Theo Science Alert, khu vực này vốn dĩ không xa lạ với các trận động đất diễn ra thường xuyên và liên tục. Tại đó, Hy Lạp từ lâu đã nổi tiếng là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất châu Âu.
Nơi xuất phát của trận động đất hiện tại trên thực tế, đến từ khu vực đảo Anydros, một đảo hoang nằm cách Santorini 30 km về phía đông bắc. Đây là một phần của vòng cung núi lửa thuộc "đới hút chìm Hellenic", nơi mảng kiến tạo châu Phi đang từ từ lún xuống bên dưới mảng Á-Âu (hay mảng Aegea).
Trong khi đó, đảo Santorini cũng có quá khứ là một miệng núi lửa chìm dưới biển, hình thành từ hoạt động núi lửa trong 180.000 năm qua, với lần phun trào gần nhất vào những năm 1950.
Trong quá khứ, khu vực này đã từng chứng kiến những trận động đất kinh hoàng. Năm 1956, một trận động đất mạnh 7.8 độ đã gây ra sóng thần và chỉ sau đó không lâu, một trận dư chấn mạnh 7.2 độ tiếp tục xảy ra. Hơn 53 người thiệt mạng và nhiều người khác đã bị thương trong thảm họa này.
Động đất kiến tạo xảy ra khi áp lực tích tụ trong vỏ Trái Đất đột ngột được giải phóng, gây đứt gãy địa chất và tạo ra sóng địa chấn. Thông thường, các trận động đất trung bình đến lớn (gọi là động đất chính) sẽ đi kèm với các dư chấn nhỏ hơn, giảm dần về cường độ và tần suất theo thời gian. Đây được gọi là chuỗi động đất chính - dư chấn.
Tuy nhiên, một số chuỗi động đất không tuân theo quy luật này, mà xuất hiện nhiều trận động đất có cường độ tương đương, kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng. Hiện tượng này được gọi là "chuỗi động đất liên hoàn" (earthquake swarm).
Chuỗi động đất liên hoàn thường liên quan đến sự dịch chuyển của chất lỏng trong lớp vỏ Trái Đất và ít khi gây ra những cơn địa chấn quá mạnh như động đất chính.
Tuy nhiên, các nhà địa chấn học vẫn đang theo dõi sát sao để phân biệt rõ hơn giữa chuỗi động đất chính - dư chấn và động đất liên hoàn nhằm hiểu rõ hơn về cơ chế của hiện tượng này.