Bầu trời Bắc Cực đang đổi màu xám đen đáng sợ

Ảnh vệ tinh từ NASA - NOAA cho thấy bầu trời Bắc Cực đang bị "bơm" thêm rất nhiều mây khói màu xám đen trong bối cảnh một đại thảm họa bao trùm mùa hè 2022 nơi đây.

Theo SciTech Daily, thay vì trải qua một mùa hè ngắn và ôn hòa với một chút xanh tươi, miền đất gần cực Bắc của nước Mỹ - Alaska - đang "bốc hỏa", theo nghĩa đen.

Hình ảnh từ thiết bị quan sát hồng ngoại VIIRS trên vệ tinh Suomi NPP của NASA và NOAA (Cơ quan Hàng không vũ trụ và Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ) cho thấy khói xám đen dày đặc trên bầu trời Alaska, lan ra một vùng rộng lớn, thậm chí phủ mờ lên cả những điểm còn đóng băng vĩnh cửu.

Bầu trời Bắc Cực đang đổi màu xám đen đáng sợ - 1

Bầu trời Alaska đổi màu - Ảnh: NASA/NOAA

Đó là khói cháy rừng. Cháy rừng đã xuất hiện ở Alaska vào tháng 6 và kể từ ngày 1-7, một đám cháy cực dữ dội đã lan rộng khắp các khu vực phía Nam và nội địa; trong khi gió mùa Đông Nam mạnh mẽ đẩy khói sâu về phía cực Bắc.

Đám khói lớn nhất đến từ đám cháy phía Tây Bắc hồ Iliamna, mà theo nhà khí hậu học Rick Thoman từ Đại học Alaska ở Fairbanks, đã đạt đến chỉ số vật chất hạt cực cao, đang phủ bóng xuống thành phố Nome.

Theo Trung tâm Điều phối liên ngành Alaska và Trung tâm Cứu hỏa liên ngành Quốc gia Mỹ, có tới... 210 đám cháy đang hoạt động trên khắp tiểu bang, trong đó có 42 vụ cháy lớn.

Phía bên kia của cực Bắc, Canada cũng đang gặp phải tình huống tương tự. Hình ảnh mới đây từ thiết bị MODIS trên vệ tinh Aqua của NASA cho thấy khói dày đặc bốc lên từ một số đám cháy lớn nhất, tỏa mạnh ra phía biển Beaufort và phần Bắc Cực thuộc Canada. Nhiều cộng đồng phía Tây Bắc đang chịu đựng chất lượng không khí cực kỳ tồi tệ.

Bầu trời Bắc Cực đang đổi màu xám đen đáng sợ - 2

Thảm cảnh tương tự ở Canada, qua ảnh chụp của vệ tinh Aqua - Ảnh: NASA

Hình ảnh khác từ thiết bị OLI trên vệ tinh Lansat 8 của NASA cũng ghi nhận thảm cảnh gần hồ Great Bear giữa rừng sâu, ngoài màu khói còn có màu xám nâu của những thảm rừng bị thiêu rụi.

Bầu trời Bắc Cực đang đổi màu xám đen đáng sợ - 3

Một khu vực khác trong ảnh chụp của vệ tinh Landsat 8 - Ảnh: NASA

Tất cả chuỗi thảm họa bao trùm Bắc Cực và các vùng đất quanh nó được cho là do biến đổi khí hậu gây ra một loạt hiệu ứng: nhiệt độ nóng kỷ lục, khô hạn, kèm không khí nóng bị các luồng khí bất thường đẩy lên từ các vĩ độ cao. Vì vậy, Bắc Cực không chỉ khốn khổ vì tan băng mà còn bùng cháy.

Theo nld.com.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm