Sự thay đổi đáng lo ngại ảnh hưởng đến "cán cân" năng lượng của Trái Đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân làm tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như hạn hán và lũ lụt xảy ra trên Trái Đất.

Sự thay đổi đáng lo ngại ảnh hưởng đến cán cân năng lượng của Trái Đất - 1

Hệ thống chu kỳ dao động năng lượng tinh vi của Trái Đất đang có những chuyển biến tiêu cực, khiến các nhà khoa học lo ngại (Ảnh: Getty).

Như đã biết, một hành tinh như Trái Đất là duy nhất trong số tất cả những gì mà chúng ta đã từng khám phá thấy trong vũ trụ cho đến nay. Từ độ nghiêng của trục, đến vị trí, khoảng cách tới Mặt Trời… đều ảnh hưởng tới sự sống trên Trái Đất, và chúng cũng phụ thuộc khá nhiều vào các chu kỳ đan xen, cân bằng, kết hợp với nhau… để tạo ra những kịch bản chính xác giúp sự sống có cơ hội phát triển, duy trì trong nhiều năm.

Một trong những chu kỳ bắt buộc này là "Delicate energy system" (Tạm dịch: Hệ thống chu kỳ dao động năng lượng tinh vi) của Trái Đất - yếu tố ước lượng đầu ra và đầu vào của các năng lượng mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời.

Chu kỳ này đóng vai trò quyết định tất cả các hệ thống khí hậu, không chỉ riêng Trái Đất, mà còn đối với nhiều hành tinh khác. Thí dụ như trên Sao Hỏa, tỷ lệ này đạt khoảng 15,3%, lớn hơn rất nhiều so với chỉ 0,4% trên Trái Đất, và đó chính là nguyên nhân gây ra những cơn bão bụi kinh hoàng trên hành tinh Đỏ. 

Trước những năm 1750, chu kỳ dao động năng lượng này trên Trái Đất là tương đối cân bằng. Thế nhưng hiện nay, các nhà khoa học ghi nhận sự mất cân bằng đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 15 năm.

Sự thay đổi đáng lo ngại ảnh hưởng đến cán cân năng lượng của Trái Đất - 2

Loài người sẽ chống đỡ thế nào trước biến đổi khí hậu?

Theo Kevin Trenberth - một chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ, hiện vẫn chưa thể đo lường sự mất cân bằng này một cách trực tiếp. Cách thực tế duy nhất để ước tính nó là thông qua những thay đổi trong năng lượng hấp thụ bởi Mặt Trời, và bức xạ truyền qua không gian.

Để làm điều này, Trenberth cùng các cộng sự đã kiểm tra dữ liệu từ tất cả các thành phần của hệ thống khí hậu, gồm: Đất, băng, đại dương và khí quyển từ năm 2000 đến 2019, để tiến hành thống kê những thay đổi.

Trenberth cho biết một số phân tử trong bầu khí quyển của Trái Đất đã hấp thụ nhiệt độ trước khi nó kịp lên đến không gian và tiếp tục giữ chúng ở khu vực này. Điều đáng lo ngại, đây đều là những khí gây ra hiệu ứng nhà kính, hoạt động theo cách bao bọc hành tinh của chúng ta như một "tấm chăn lớn trùm kín" ở phần trên cùng của bầu khí quyển. Rốt cuộc, năng lượng bị mắc kẹt này đã dẫn đến những tác động với môi trường và khí hậu trên Trái Đất.

Theo các nhà khoa học, dù chỉ tăng 1% mức năng lượng dư thừa xung quanh bầu khí quyển của Trái Đất, nhưng điều này cũng đủ để trực tiếp làm tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ hạn hán đến lũ lụt xảy ra trên Trái Đất. 

Tuy nhiên, Trenberth cho rằng hiện vẫn còn thiếu nhiều thông tin để dự đoán chính xác các kết quả cụ thể sẽ xảy ra trong thời gian ngắn hạn. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Môi trường Nghiên cứu Môi trường, và nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức khoa học trên thế giới.

Theo www.sciencealert.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm