Tàu quan sát năng lượng độc nhất thế giới ghé thăm Việt Nam | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu quan sát năng lượng độc nhất thế giới ghé thăm Việt Nam

Minh Khôi

(Dân trí) - Tính đến nay, tàu Energy Observer đã đi vòng quanh Trái Đất hơn 5 năm mà không cần đổ nhiên liệu.

Tàu quan sát năng lượng độc nhất thế giới ghé thăm Việt Nam - 1

Tàu quan sát năng lượng Energy Observer du hành trên sông Sài Gòn (Ảnh: Toyota).

Mới đây, tàu quan sát năng lượng Energy Observer vừa ghé thăm TPHCM trong hành trình 5 năm lênh đênh trên biển của mình. Đến nay, con tàu đã cập bến hơn 40 quốc gia, và Việt Nam vinh dự được chọn là điểm dừng chân thứ 73.

Đứng trước nhiều thách thức mà nhân loại trên toàn thế giới phải đối mặt, nhiệm vụ chính trong chuyến thám hiểm của Energy Observer chính là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua đổi mới sáng tạo, bằng cách chứng minh rằng các công nghệ và sự kết hợp năng lượng "sạch" trên tàu hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt, và có thể được nhân rộng hơn cả trên đất liền và trên biển.

Con tàu độc nhất vô nhị

Khởi hành vào năm 2017 từ Saint-Malo (Pháp), cảng quê hương của con tàu, Energy Observer đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia.

Vừa là tàu biển, vừa là phòng thí nghiệm nổi đầu tiên trên thế giới, Energy Observer hoạt động bằng cách tạo ra hydro để cung cấp năng lượng cho động cơ đẩy thông qua quá trình khử mặn nước biển (loại bỏ muối và ion), sau đó tách oxy và hydro nhờ điện phân. Hydro sau khi nén ở áp suất 345 - 691 atm sẽ được bơm vào các thùng chứa và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

Tính đến nay, tàu Energy Observer đã đi vòng quanh Trái Đất hơn 5 năm mà không cần đổ nhiên liệu. Trên tàu là một nhóm nghiên cứu hơn 30 người, trong đó có kiến trúc sư, nhà thiết kế và kỹ sư. Thuyền trưởng chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của con tàu là Victorien Erussard, một sĩ quan trong lực lượng hải quân Pháp.

Tàu quan sát năng lượng độc nhất thế giới ghé thăm Việt Nam - 2

Energy Observer vừa là tàu biển, vừa là phòng thí nghiệm nổi đầu tiên trên thế giới.

Energy Observer là sản phẩm được nâng cấp từ một chiếc thuyền buồm chiến thắng cuộc đua vòng quanh thế giới cùng với Sir Peter Blake. Nó hoạt động như một phòng thí nghiệm chuyển đổi sinh thái, được thiết kế để thúc đẩy các giới hạn của công nghệ không phát thải, gồm có: Năng lượng hydro, mặt trời, gió, thủy triều...

Đáng chú ý, hệ thống pin nhiên liệu dành riêng cho tàu được Trung tâm Kỹ thuật Toyota Châu Âu phát triển chỉ trong vòng 7 tháng. Để đảm bảo tính tương thích, mô-đun pin nhiên liệu có khả năng cung cấp năng lượng ổn định ngay cả khi tàu hoạt động ở cường độ cao xuyên suốt hành trình băng qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Sứ mệnh của con tàu là triển khai các thử nghiệm, sau đó tối ưu hóa chúng, nhằm biến năng lượng sạch, thân thiện với môi trường trở thành giải pháp cụ thể, và tới được tay mọi người trên toàn Trái Đất.

"Kể từ khi bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới năm 2017, chúng tôi đã có cơ hội đào sâu nghiên cứu mọi thách thức về năng lượng và chuyển đổi năng lượng mà các chủ thể khác nhau trong lĩnh vực này phải đối mặt", Victorien Erussard, Thuyền trưởng và người sáng lập của Energy Observer cho biết.

"Dù có khó khăn trong việc thay đổi mô hình năng lượng, tôi nhận thấy rằng từ phía người dân, chính quyền hay doanh nghiệp đều thật sự mong muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này".

Tàu quan sát năng lượng độc nhất thế giới ghé thăm Việt Nam - 3

Bên trong tàu Energy Observer là các giải pháp được thử nghiệm nhằm biến năng lượng sạch, thân thiện với môi trường trở thành giải pháp cụ thể, tới được tay mọi người trên toàn Trái Đất.

Ông Erussard cũng nhấn mạnh rằng các chiến lược và công nghệ trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Energy Observer hiện đã chín muồi, có thể huy động nguồn vốn đầu tư, qua đó giúp cho mọi người đều có thể tiếp cận được.

Sở dĩ khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được lựa chọn làm điểm đến tiếp theo là bởi Energy Observer đang hướng đến các vấn đề như ô nhiễm và tái chế nhựa, khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, tuabin gió gần bờ, năng lượng cacbon thấp và độ mặn của sông Mekong.

Các vấn đề này được cho là hoàn toàn phù hợp với 17 mục tiêu Phát triển Bền vững mà tàu Energy Observer - với tư cách là đại sứ đầu tiên của Pháp, đang hướng đến.

Việt Nam và những thách thức của quá trình chuyển đổi

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa, đó là làm thế nào để dung hòa giữa tốc độ tăng trưởng nhanh với nhu cầu năng lượng đã tăng gấp 5,5 lần trong vòng 20 năm. Trong đó, việc đạt được tỷ lệ trung hòa cacbon cần thiết, mà vẫn đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là một thử thách lớn.

Vào tháng 2/2021, Chính phủ Việt Nam đã công bố dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Quy hoạch dự kiến sẽ tăng công suất năng lượng gió và mặt trời hiện tại, nghĩa là trước tiên phải cải thiện cơ sở hạ tầng để đảm bảo hoạt động ổn định, với tỷ trọng năng lượng tái tạo ở mức lớn hơn.

Hiện nay, hơn một nửa sản lượng điện của cả nước là từ than và khoảng 20% từ thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo khác chỉ chiếm vỏn vẹn 5% điện năng của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện này dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2030 và lên đến 42% vào năm 2045.

Bên cạnh việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng điện than vào năm 2030 để đáp ứng mức tăng trưởng dự báo 10%/năm về tiêu thụ điện trong vòng 10 năm tới. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2030 là 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 950 triệu USD và cho lưới điện là 32,9 tỷ USD.