Bắt rắn hổ chúa bằng tay không, người đàn ông lĩnh bài học đau đớn
(Dân trí) - Đoạn clip là một minh chứng cho thấy nếu không có kinh nghiệm xử lý các loài rắn độc, tốt nhất hãy tránh xa chúng để đảm bảo an toàn.
Đoạn clip được quay tại Việt Nam và đang được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… cho thấy khoảnh khắc hai người đàn ông đang tìm cách bắt một con rắn hổ chúa. Một trong 2 người đã sử dụng thanh gỗ dài để đè đầu con rắn độc, người còn lại dùng áo để che mắt và tìm cách nắm vào đầu con rắn.
Tuy nhiên, trong lúc đang nắm vào đầu rắn, người đàn ông đã bị con vật cắn trúng vào bàn tay. Người này nhanh chóng đưa tay lên miệng để mút chất độc và cuối cùng chấp nhận bỏ cuộc, bỏ mặc con rắn hổ chúa.
Hiện vẫn chưa rõ số phận của người đàn ông bị rắn cắn, nhưng đoạn clip là một minh chứng cho thấy việc dùng tay không bắt rắn độc mà không có kinh nghiệm là hành động hết sức liều lĩnh và nguy hiểm.
Các chuyên gia bắt rắn cho biết rắn thường tìm cách lẩn trốn và không chủ động tấn công con người. Nếu không biết rõ rắn có độc hay không và không có kinh nghiệm xử lý các loài rắn, mọi người cần phải tuyệt đối tránh xa và không chủ động bắt rắn, mà nên gọi điện nhờ những người có kinh nghiệm xử lý trong trường hợp rắn bò vào nhà.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng nếu rắn không xuất hiện ở khu dân cư và không gây đe dọa đến con người, hãy để mặc chúng thay vì tìm cách bắt giữ hoặc truy đuổi, khiến rắn bị kích động và có thể tấn công con người để tự vệ.
Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành hoặc thậm chí một con voi. Nọc của rắn hổ chúa là nọc độc thần kinh, ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim.
Thức ăn của hổ chúa là các loài gặm nhấm, động vật có vú nhỏ hay các loài rắn khác. Vai trò của hổ chúa là kiểm soát số lượng rắn trong khu vực mà nó sinh sống. Trong trường hợp các cá thể rắn khác đã bị suy giảm, rắn hổ chúa sẽ ăn thịt chính cả đồng loại của mình, như một cách để kiềm chế số lượng của loài rắn này.
Rắn hổ chúa thường đuổi theo những loài rắn săn chuột khác, điều này có thể dẫn đến việc rắn hổ chúa xuất hiện ở những khu vực có người sinh sống. Hổ chúa được đánh giá là loài rắn khá nhút nhát, thường tìm cách lẩn trốn khi đối đầu với con người và chỉ tấn công trong trường hợp bị đe dọa hoặc bị kích thích.
Rắn hổ chúa hiện được xếp vào danh sách loài động vật nguy cấp, quý hiếm và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, cấm mọi hành vi săn bắt, mua bán, nuôi nhốt, vận chuyển…