1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hổ mang cực độc lẩn trốn trong cặp của nữ sinh

T.Thủy

(Dân trí) - Không rõ bằng cách nào, con rắn hổ mang cực độc đã chui vào lẩn trốn bên trong cặp của một nữ sinh trung học tại Ấn Độ.

Sự việc xảy ra tại trường trung học Badoni ở thành phố Shajapur (bang Madhya Pradesh, Ấn Độ), khi một nữ sinh lớp 10 đến trường vào buổi sáng và thông báo với giáo viên cô cảm thấy có thứ gì đó động đậy ở trong cặp của mình.

Karan Vashistha, một giáo viên trong trường đã mở cặp của nữ sinh này để kiểm tra. Nhiều người hoài nghi có thể một con vật nguy hiểm nào đó đã chui vào trong cặp của nữ sinh, nên Karan đã mở cặp một cách rất cẩn thận.

Sau khi lấy hết sách vở và lật ngược cặp, những người chứng kiến đã phải giật mình hoảng hốt khi phát hiện một con rắn hổ mang cực độc rơi ra từ bên trong cặp. Không rõ con rắn đã chui vào cặp từ lúc nào, nhưng nhiều khả năng con vật đã trườn vào cặp từ nhà của nữ sinh mà em không hề hay biết.

Hổ mang cực độc lẩn trốn trong cặp của nữ sinh (Video: Twitter).

Một giáo viên khác trong trường đã ghi lại được khoảnh khắc con rắn hổ mang rơi ra từ trong cặp sách. Con vật phồng mang đe dọa, nhưng nhanh chóng trườn đi. Những người có mặt trong trường cũng không đủ kỹ năng và sự liều lĩnh để bắt lại con vật nên để nó biến mất trong khuôn viên của trường.

Rất may không có ai bị thương trong vụ việc này.

Con rắn trong đoạn clip được xác định là một cá thể rắn hổ mang Ấn Độ. Đây là một trong "tứ đại rắn độc" tại Ấn Độ, là 4 loài rắn độc gây ra nhiều ca tử vong do rắn cắn nhất tại quốc gia này, bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa.

Rắn hổ mang Ấn Độ có kích thước vừa phải, chiều dài đạt từ một đến 1,5m, có trường hợp dài đến hơn 2m nhưng hiếm gặp. Rắn hổ mang Ấn Độ thường ăn các loài động vật gặm nhấm, cóc, ếch và các loài rắn khác.

Do chế độ ăn uống và săn bắt chuột nên loài rắn hổ mang này thường xuất hiện tại các khu vực sinh sống của con người, dẫn đến nhiều vụ rắn cắn do hổ mang Ấn Độ gây ra. Tuy nhiên, loài rắn này lại được tôn kính trong văn hóa và tôn giáo tại Ấn Độ.

Không chỉ cặp sách, nhiều chuyên gia bắt rắn khuyên mọi người nên kiểm tra kỹ giày dép của mình trước khi mang vào chân, đặc biệt trong mùa mưa lũ, khi các loài rắn tìm kiếm nơi khô ráo và ấm áp để lẩn trốn.

Theo VPress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm