1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Asen hữu cơ trong nước mắm vượt ngưỡng cho phép có nguy hiểm?

(Dân trí) - Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu mắm lấy trên thị trường. Theo đó có 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất 1 chỉ tiêu không đạt chất lượng. Đặc biệt có 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên bị nhiễm asen hữu cơ vượt ngưỡng. Vậy nước nắm nhiễm asen vượt ngưỡng có nguy hiểm?

Theo quy định của Bộ Y tế về hàm lượng thạch tín (hay còn gọi là asen) cho phép có trong sản phẩm nước mắm tối đa là 1,0mg/L. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm của chất này trên các mẫu lấy được cho thấy có đến 101/150 mẫu không đạt quy định. Cụ thể, hàm lượng Asen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0mg/L đến 5mg/L. Đáng chú ý, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng Asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. Tuy nhiên kết quả trong các mẫu thử nghiệm đã khẳng định không có arsen vô cơ.


Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.

Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), một chuyên gia nghiên cứu về asen cho biết: Nước mắm thường chủ yếu làm từ các loại cá biển (cá cơm, cá thu, cá nục…) và rút chiết ra dưới dạng nước. Tùy theo độ đạm trong nước mắm mà người ta phân cấp độ (nước mắm cốt, nước mắm loại 1, nước mắm loại 2).

Thông thường thì hàm lượng asen trong cá là không cao, thường nằm trong ngưỡng cho phép nên việc nước mắm nhiễm asen từ đây là rất khó. Chính vì thế, nguyên nhân có thể là do sử dụng các chất phụ gia có chứa asen. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của asen hữu cơ thấp hơn rất nhiều so với vô cơ.

“Bản thân trong cơ thể con người luôn có một hàm lượng asen nhất định. Mỗi một sinh vật đều là một vũ trụ thu nhỏ, ở xung quanh có cái gì thì ở trong cơ thể có cái đó. Theo tôi thì không có vấn đề gì lớn bởi lượng nước mắm hàng ngày chúng ta ăn là rất ít, thông thường khoảng 5-10ml/ngày. Nếu nước mắm này có nhiễm asen rất nặng đi chăng nữa thì lượng asen vào trong cơ thể người vẫn ở mức cho phép” – PGS Côn cho hay.

Cũng theo PGS Côn, nếu hàm lượng arsen trong cơ thể người ở hạn mức cho phép thì nó sẽ tự đào thải ra ngoài.

Ông cũng cho rằng, việc nước mắm có asen hữu cơ vượt ngưỡng cho phép cần phải được thông tin rõ ràng như là ở đâu, dùng công nghệ gì, chất phụ gia như thế nào… để từ đó có đánh giá chính xác, tránh tình trạng “đánh đồng” cũng như thông tin mập mờ khiến dư luận lo lắng.

Nguyễn Hùng