Tiêu sạch 20 triệu dưỡng già, cụ ông quyết chạy xe ôm đến 80 tuổi

Phương Nhi

(Dân trí) - Nửa năm thất nghiệp, ông Mai Văn Sử tiêu hết sạch 20 triệu đồng tiết kiệm sau 30 năm chạy xe ôm. Ông Sử lo cho những ngày tháng tới khi chưa thể đi làm trở lại.

Sạch trơn "gia tài" dưỡng già

Tiêu sạch 20 triệu dưỡng già, cụ ông quyết chạy xe ôm đến 80 tuổi - 1

Ông Nguyễn Văn Sơn cùng vợ đã thất nghiệp nửa năm nay, trông chờ ngày chở khách để có tiền đóng tiền trọ.

Thất nghiệp đã nửa năm, ông Nguyễn Văn Sơn (58 tuổi, làm nghề xe ôm truyền thống, ngụ TPHCM) trông ngóng từng ngày được đi làm trở lại. Với ông, được chở khách đi khắp ngóc ngách Sài Gòn trên chiếc xe máy cũ lúc này là một niềm hạnh phúc.

"Chạy một ngày dù chỉ được vài chục ngàn thì tôi cũng ráng chạy!", ông Sơn quả quyết.

Vợ ông Sơn làm pha chế trong một quán cà phê cũng rơi vào cảnh "ngồi chơi xơi nước" hơn 4 tháng nay. Vì vậy, hai vợ chồng già đã nghèo nay còn khổ hơn khi mỗi tháng vẫn phải trả 2,5 triệu đồng tiền thuê nhà trọ, tiền điện, tiền thuốc...

Tiêu sạch 20 triệu dưỡng già, cụ ông quyết chạy xe ôm đến 80 tuổi - 2

Ông Mai Văn Sử buồn bã vì tiêu hết số tiền dưỡng già sau nửa năm thất nghiệp vì dịch bệnh.

Cũng buồn không kém ông Sơn, ông Mai Văn Sử (74 tuổi) liên tục thở dài vì đã tiêu hết 20 triệu đồng tiết kiệm sau hơn 30 năm chạy xe ôm truyền thống. Số tiền này ông dự định dùng để dưỡng già nhưng 5 tháng dịch ông đã tiêu sạch.

 "Giờ chỉ còn cách chờ con tôi đi làm, lãnh lương rồi cho tôi chút tiền sống qua ngày. Kiểu này khi đi làm trở lại phải chạy xe ôm tới năm 80 tuổi mới dư chút tiền để sinh sống những năm cuối đời", ông Sử buồn bã nói.

Vắng du khách thì vẫn sẽ "trắng tay"

Không chỉ trông đợi xe ôm hoạt động trở lại, ông Trần Luận (67 tuổi, ngụ TPHCM) mong mỏi khác là dịch bệnh ổn định hơn, ngành du lịch sớm phục hồi để đón tiếp du khách nước ngoài.

Theo ông Luận, ông hoạt động nghề xe ôm ở khu vực trung tâm quận 1 nên chủ yếu đưa đón du khách nước ngoài. Vì thế, khi xe chạy lại mà vắng bóng du khách, ông dự đoán vẫn sẽ "trắng tay" đi về mỗi ngày như hồi dịch mới bùng phát.

Thời mới từ Đà Nẵng vào TPHCM lập nghiệp, ông Luận kiếm sống bằng nghề chạy xích lô. Càng về sau thu nhập càng bèo bọt, ông quyết định chuyển sang chạy xe ôm và gắn bó với công việc này hơn 40 năm nay.

Những năm trước, ông Luận chạy xe được từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kiếm được 50.000 đồng/ngày dần dần đã trở thành một con số lớn đối với ông.

Tiêu sạch 20 triệu dưỡng già, cụ ông quyết chạy xe ôm đến 80 tuổi - 3

Ông Trần Luận đọc báo cập nhật tin mỗi ngày để mong sớm có khách quốc tế đến TPHCM. 

Như ông Sơn và ông Sử, con cái ông Luận cũng đã lớn, có việc làm và có gia đình riêng. Tuy nhiên, vì đồng lương công nhân ít ỏi của con mà theo ông Luận miêu tả là "nuôi con nó học hành còn thiếu lên thiếu xuống", ông Luận không nỡ để con cái nuôi thêm mình...

"Còn sức khỏe, còn làm việc được thì tôi vẫn chạy kiếm tiền", ông Luận nói. Là một F0 đã khỏi bệnh, ông Luận cho biết khi chạy xe trở lại cũng yên tâm được phần nào. Dù vậy ông vẫn sẽ tự giữ gìn sức khỏe của mình, hạn chế tiếp xúc và không trò chuyện với khách trong suốt cuốc xe.

Tiêu sạch 20 triệu dưỡng già, cụ ông quyết chạy xe ôm đến 80 tuổi - 4

Những người lớn tuổi chạy xe ôm truyền thống vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, dù khó khăn.

Dự định là thế nhưng theo ông Luận, những ngày tới sẽ còn nhiều khó khăn cho ông cũng những bạn nghề chạy xe ôm truyền thống khác. "Mình không sợ khách thì khách cũng sợ mình, ngồi gần như vậy ai mà không sợ", ông Luận lý giải.

Dù đều lo lắng cho ngày trở lại nhưng hầu hết những người chạy xe ôm truyền thống lớn tuổi vẫn quyết bám trụ với nghề vì không còn lựa chọn. Họ chấp nhận tất cả khó khăn phía trước để có thể tự làm ra tiền trang trải cuộc sống và ổn định lại thu nhập sau dịch.