Thanh Hóa:
Lao động hồi hương đứng dậy sau dịch, không ai bị bỏ lại phía sau
(Dân trí) - Ngay sau khi mất việc làm, trở về từ vùng dịch, nhiều lao động tại Thanh Hóa đã được ưu tiên hỗ trợ vay vốn, tạo sinh kế.
Tiếp sức lao động hồi hương
Ra Hà Nội mưu sinh từ 10 năm trước bằng nghề lao động tự do, thế nhưng do dịch Covid-19 bùng phát nhiều đợt khiến việc làm của vợ chồng anh Nguyễn Văn Đôn (33 tuổi, thôn Diễn Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) liên tục thất thường, bấp bênh.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, không có việc làm, không có nguồn thu nhập, anh quyết định đưa vợ con về quê.
Thông qua Hội phụ nữ xã, anh Đôn biết được chính sách cho người lao động trở về từ vùng dịch được tạo điều kiện vay vốn với mức lãi thấp. Anh quyết định làm hồ sơ vay 100 triệu đồng.
Theo Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại có 1.705 lao động có nhu cầu vay vốn với số tiền 136 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 35 lao động với số tiền 2,8 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay cùng với số tiền mượn thêm anh em, bạn bè, anh Đôn mua 4 con bò, đầu tư cải tạo chuồng trại và mở rộng thêm diện tích cây ăn quả trên đất trang trại của gia đình.
"Nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách đã giúp gia đình có một khoản tài chính để mua bò sinh sản, trồng cây ăn quả. Tôi mong rằng, nhiều người lao động khó khăn sẽ được tiếp cận chính sách rất ý nghĩa và nhân văn này để có động lực bắt đầu lại cuộc sống", anh Đôn chia sẻ.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến anh Hà Ngọc Tú (35 tuổi, xã Hợp Thành) làm nghề hàn xì tại Vũng Tàu cũng phải trở về quê. Sau 3 tháng hồi hương, đến nay, anh Tú đã xây dựng được một xưởng cơ khí nhỏ để anh và vài lao động địa phương làm việc.
Người đàn ông này cho biết, trong lúc khó khăn chưa biết xoay xở như thế nào để có kinh phí gây dựng lại cuộc sống thì anh tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội và mạnh dạn vay 80 triệu đồng để đầu tư mua máy móc.
"Dự kiến trong tương lai, tôi sẽ mở rộng và tạo công ăn việc làm cho lao động tại quê. Sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đã tiếp sức cho người lao động chúng tôi có động lực ở lại quê hương ổn định cuộc sống", anh Tú nói.
Tại huyện Quảng Xương, gia đình chị Ngô Thị Hoa (xã Quảng Nham) cũng phấn khởi khi trong lúc trở về từ vùng dịch với hai bàn tay trắng đã được vay 70 triệu đồng để có vốn buôn bán cá: "Nhờ khoản vay, tôi đã có vốn để buôn cá, mỗi ngày cũng thu nhập 200-300 nghìn đồng, cuộc sống bớt khó khăn, chật vật hơn".
Không để ai bị "bỏ lại phía sau"
Mục tiêu mà UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra là 100% người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn; nhu cầu việc làm, học nghề để có kế hoạch cụ thể nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết nối cung - cầu.
Đặc biệt, trong phương án hỗ trợ người về từ vùng dịch, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên cho người lao động được vay vốn giải quyết việc làm tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thanh Hóa, với lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay các hộ cận nghèo (0,66%/tháng), mức vay tối đa là 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay không quá 120 tháng.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Triệu Sơn, cho biết: "Hiện nay, toàn huyện Triệu Sơn có gần 10 nghìn lao động trở về từ vùng dịch. Tuy nhiên, có 2.500 lao động có nhu cầu hỗ trợ vốn vay tạo việc làm. Tất cả các trường hợp này, chúng tôi sẽ cân đối nguồn vốn để tạo điều kiện cho hộ vay được tiếp cận nguồn vốn sớm nhất, ổn định cuộc sống".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng cũng chỉ đạo, đối với người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, Ngân hàng chính sách xã hội có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, lập dự án vay vốn, thẩm định, cho vay và thu hồi nợ theo quy định.
Trường hợp các địa phương không còn nguồn vốn cho vay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa bổ sung nguồn vốn cho các địa phương từ nguồn xử lý tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ở lại trái phép, từ nguồn ủy thác của UBND cấp tỉnh, cấp huyện hoặc từ nguồn huy động khác để đảm bảo người lao động trở về từ vùng dịch được vay vốn theo quy định. Không để lao động hồi hương bị bỏ lại phía sau.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, số người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27/4 đến nay là khoảng gần 200 nghìn người. Trong đó, có 26.800 lao động có nhu cầu việc làm và học nghề (1.300 lao động có nhu cầu đào tạo nghề; 25.500 lao động có nhu cầu việc làm).