Doanh nghiệp nhắn tin than với Bộ trưởng "khổ sở đưa lao động trở lại"
(Dân trí) - "Tôi nhận tin nhắn của doanh nghiệp, có địa phương chưa tạo điều kiện cho lao động đi làm lại, dù có thẻ xanh Covid. Địa phương khó như vậy, DN phải làm sao?" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến chiều 15/10 với các địa phương trong cả nước về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào ngọc Dung khái quát, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực khẩn trương triển khai các chính sách.
Sửa chính sách thông thoáng hơn
Cụ thể, các địa phương đã tập trung thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 của Chính phủ. Hiện tại, Nghị quyết 68, sau khi được sửa đổi, bổ sung đã thực sự rất thông thoáng, thủ tục đơn giản, thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ rút ngắn, tạo sự linh hoạt tối đa cho địa phương.
Gói 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116 thì đến thời điểm này, hệ thống bảo hiểm xã hội đang nỗ lực triển khai. Việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và người sử dụng lao động đã cơ bản giải quyết xong ngay trong tuần đầu tiên thực hiện chính sách.
Còn chính sách hỗ trợ với người lao động, việc triển khai cũng rất thần tốc. Trong quá trình giải ngân tiền hỗ trợ, có một số vướng mắc bộc lộ về đối tượng thụ hưởng chính sách, Bộ Lao động đã nhanh chóng hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháo gỡ.
Chuẩn bị sơ kết công tác phòng chống dịch sau lần bùng phát thứ 4, Bộ trưởng cho biết, đánh giá chung của Chính phủ, đến thời điểm này, về cơ bản, cả nước đã kiểm soát tình hình tương đối tốt. Cả nước chính thức chuyển sang giai đoạn mới, chủ động thích ứng, chung sống an toàn với đại dịch. "Có thể nói, đỉnh dịch đợt bùng phát thứ 4 này đã qua đi" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Các kết quả đạt được trong hoạt động phòng chống dịch, theo lãnh đạo Bộ Lao động, đã được xem xét tại phiên họp chuyên đề của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương diễn ra ít ngày trước. Đây cũng là nội dung sẽ được chuẩn bị, đưa ra UB Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại kỳ họp dự kiến bắt đầu trong tuần tới.
"4 tháng anh em không về nhà"
Bộ trưởng khái quát, đánh giá về những bài học kinh nghiệm trong chống dịch, Chính phủ nhấn mạnh bài học về vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Từ khi đợt dịch thứ 4 xảy ra (từ 27/4 đến nay), Chính phủ liên tiếp có những chỉ đạo đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh, đời sống, việc làm của người lao động. An sinh, theo đó, luôn là nội dung cần thiết, trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Nhận định chung về việc thực hiện nhiệm vụ của ngành trong suốt 4 tháng chống dịch vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã có nhiều cách làm mới, trong bối cảnh nhiều địa phương cả nước bị phong tỏa toàn bộ địa bàn. "Có địa phương báo cáo với tôi, suốt từ tháng 4 đến hết tháng 8, anh em ngành lao động không về nhà. Mọi cán bộ, công chức đều phải lăn lộn với công việc, làm ngay làm đêm để đưa các hỗ trợ đến với nhân dân một cách kịp thời. Các cơ quan như bảo hiểm xã hội (BHXH), ngân hàng chính sách (NHCS) cùng căng mình để triển khai các chính sách" - Bộ trưởng đánh giá.
Liên tiếp những kết quả thông báo từ BHXH, NHCS các địa phương cho thấy kết quả những nỗ lực đó. Người đứng đầu ngành Lao động nhận định, dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu rộng, nghiêm trọng đến an sinh, cuộc sống, việc làm của người dân. Dòng người từ các đô thị, những vùng đông dân cư về quê thời gian qua rất mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất ở một số lĩnh vực, khu vực, bộ phận.
Cần sớm tính đến việc khôi phục và phát triển thị trường lao động để khôi phục và phát triển phát triển kinh tế.
Cho biết Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, theo tinh thần đó, một nội dung được tập trung là xây dựng chương trình khôi phục thị trường lao động. Đây là một bộ phận cấu thành của chương trình khôi phục nền kinh tế. Ông cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư để trong chiều 15/10 chuyển nội dung đề án xây dựng kế hoạch phục hồi thị trường lao động, khớp nối với chương trình chung của Chính phủ (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo).
Kế hoạch của ngành lao động hướng mạnh vào 3 việc: giữ chân người lao động; thu hút người lao động đã về quê quay trở lại; đào tạo, phát triển thêm lực lượng lao động bổ sung cho những lĩnh vực, ngành nghề, khu vực có nhu cầu rất cao cho khôi phục phát triển kinh tế.
Vấn đề thời sự, cấp bách cần tập trung giải quyết lúc này, theo Bộ trưởng là chuyện thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
"Hà Nội và các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc thì không đáng ngại lắm nhưng từ Đà Nẵng trở vào, các đầu tàu kinh tế như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh… rõ ràng rất đáng ngại. Những ngày qua, tôi nhận tin nhắn ta thán của nhiều doanh nghiệp là Thủ tướng đã nêu tinh thần chỉ đạo "không ngăn sông cấm chợ" nhưng một số địa phương vẫn chưa tạo điều kiện cho người lao động đi làm trở lại, thậm chí khi công nhân đã có đủ thẻ xanh Covid, tiêm vaccine, rồi vẫn bắt buộc phải 3 tại chỗ. Địa phương khó khăn như vậy, doanh nghiệp biết phải thực hiện làm sao?" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các tỉnh thành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng với tinh thần không "ngăn sông cấm chợ". Với những địa bàn cụ thể có vướng mắc, ông khẳng định sẽ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để giải quyết.