Trung Quốc rào 113 điểm cấm hàng Việt, nhưng mở lối mòn xuất ngược Việt Nam

(Dân trí) - Thời điểm cuối năm, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm diễn ra ngày càng phức tạp, chủ yếu là các mặt hàng: may mặc, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, pháo nổ,… Tình trạng này theo đại diện Cục QLTT Lạng Sơn là do nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố nhạy cảm.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trường, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn trong buổi tổng kết của Tổng Cục quản lý thị trường diễn ra sáng nay (21/1) tại Hà Nội.

qltt.jpg

Tổng kết Quản lý thị trường năm 2018

Cụ thể hơn về những khó khăn tại điểm nóng về chống buôn lậu như Lạng Sơn, ông Trường chia sẻ, trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả... từ biên giới về các tỉnh nội địa.

“Tồn tại này vẫn còn phát sinh là do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhu cầu tiêu dùng một số sản phẩm cao nhưng sản xuất trong nước không đáp ứng được. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn chấp nhận tiêu thụ những sản phẩm là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; việc buôn bán những nhóm hàng hóa vi phạm mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn cố tình vi phạm...”, ông Trường cho biết thêm.

Bên cạnh đó, đặc thù biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng ảnh hưởng nhiều tới công tác chống buôn lậu hàng giả. Bởi theo quyền Cục trưởng QLTT Lạng Sơn, Lạng Sơn có tới hơn 230 km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Không những vậy, địa hình Trung Quốc ở trên cao, chúng ta ở dưới nên các kho hàng nước bạn đặt sát biên giới sẽ “thuận tiện” cho việc mang vác, vận chuyển.

“Phía Trung Quốc đã tiến hành rào 113 điểm, trải dài tại nhiều tuyến đường biên giới để ngăn chặn hàng hoá của chúng ta mang qua đường mòn lối mở. Hiện nay, theo thống kê của chúng tôi, có tới 147 điểm có thể đấu nối các phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hoá qua biên giới. Ngoài ra thì bất cứ điểm nào ở biên giới cũng có thể mang vác, vận chuyển hàng qua”, quyền Cục trưởng cho biết thêm.

Đây vừa là thuận lợi cho giao thương nhưng cũng là khó khăn lớn khiến việc ngăn chặn hàng lậu trở nên khó khăn.

Không những thế, theo đại diện Cục QLTT Lạng Sơn, việc truy bắt các đối tượng đầu lậu hiện gặp nhiều khó khăn, do công nghệ phát triển, mọi việc mua bán đều thực hiện từ xa. Các đối tượng bị bắt giữ trên địa bàn đa phần toàn là các đối tượng bê vác, làm thuê. Chính các đối tượng này lại là những người chống trả quyết liệt.

Ngoài những khó khăn trên, quan điểm nhận diện hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đang khác nhau. Đây cũng là một khó khăn mà không chỉ quản lý thị trường Lạng Sơn mà nhiều nơi khác cũng đang gặp phải.

buonlau.jpg

Hàng trăm tấn rượu giả bị tiêu hủy tại Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong

Ví dụ như mặt hàng nông sản, đại diện QLTT Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản của bà con nông dân xuất qua đường mòn lối mở. Nhưng phía “bạn” lại đào hào và rào kiên cố, mỗi km rào của phía họ có giá trị lên tới 7 - 8 tỷ đồng để ngăn chặn hàng của ta.”

“Nhưng ngược lại, họ lại mở các lối mở để tạo điều xuất hàng hoá của họ đưa vào Việt Nam. Mà đặc biệt là trong dịp gần Tết, nhu cầu hàng hoá của người dân tăng cao thì tình trạng này diễn biến ngày càng “nóng” hơn”, đại diện QLTT chia sẻ thêm.

Gần đây, những hình ảnh về việc hàng lậu được vận chuyển dễ dàng qua biên giới cách không xa cửa khẩu Tân Thanh (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) ngay giữa ban ngày đã phản ánh rõ những gì đang diễn ra ở tuyến biên giới này. Thế nhưng, điều đáng nói, đồi Keo - nơi vận chuyển hàng qua biên giới chính là địa phận thuộc cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, chỉ cách Chi cục Hải quan và Đồn biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) trên dưới 2 km.

Việc xử lý các cán bộ thiếu trách nhiệm theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại quốc gia (Ban 389) thì, vừa qua, Tư lệnh Biên phòng Lạng Sơn rất quyết liệt, cắt chức, hạ sao mấy chỉ huy đơn vị liền. Khi đó, tình trạng đường mòn lối mở hạn chế hẳn.

Hi vọng từ giờ cho tới cuối năm, những vụ việc như trên sẽ không còn tiếp diễn để người dân có thể yên tâm mua sắm và chuẩn bị cho Tết nguyên đán 2019 đang tới gần.

Năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 155.583 vụ; phát hiện xử lý 91.867 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước 490,27 tỷ đồng; ước tính trị giá hàng hoá tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm