Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018

(Dân trí) - Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong lịch sử, vụ vải thiều bội thu vẫn giữ giá cùng chương trình xúc tiến thương mại ấn tượng, có huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, văn hoá du lịch có những bước tiến vượt bậc… Đó là những dấu mốc mang tính lịch sử được xác lập tại tỉnh Bắc Giang năm 2018.

Mức tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục chưa từng có

Năm 2018, chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng (GRDP) tỉnh Bắc Giang đã đạt mức kỷ lục với chỉ số 16,1%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao nhất từ trước đến nay ước đạt 6,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 23,9%; dịch vụ tăng 8,1%, thuế sản phẩm tăng 7,8%. Quy mô GRDP của tỉnh ước đạt 89.575 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người được rút ngắn đáng kể so với bình quân cả nước, ước đạt 2.300 USD, bằng 90,6% (năm 2017 bằng 81,1%). Thu ngân sách nhà nước tỉnh Bắc Giang đạt mốc cao nhất từ trước đến nay.

Tổng thu ước đạt hơn 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 41,2%, vượt 40,4% dự toán. Thu ngân sách nội địa ước đạt trên 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1%, vượt 54,7% dự toán. 

Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh chủ trì hội nghị thường kỳ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Cùng đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội tỉnh Bắc Giang cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Chất lượng giáo dục duy trì ổn định, giữ vững trong tốp dẫn đầu trong cả nước; lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang có học sinh đạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng lên; trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ được cải thiện. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phát triển mẽ; thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ. Chế độ, chính sách người có công được thực hiện đầy đủ. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt kế hoạch đề ra, ước hết năm còn 7,31%. Công tác an ninh trật tự được bảo đảm…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết: Dự thảo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) 16%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.700 USD/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 8.155 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 100 - 105 triệu đồng. Tỷ lệ dân số đô thị khoảng 20,5%. Khách du lịch đạt trên 2 triệu lượt người…

Vụ vải thiều với chương trình xúc tiến thương mại kỷ lục

Sản lượng vải thiều năm 2018 trên toàn tỉnh Bắc Giang đạt 215.800 tấn. Đây là sản lượng lớn nhất từ trước đến nay. Công tác tiêu thụ vải thiều thuận lợi ở cả thị trường trong và ngoài nước; giá bán vải thiều cơ bản ổn định trong suốt mùa vụ, đạt bình quân 16.000 đồng/kg; doanh thu từ vải thiều và hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 5.755 tỷ đồng. Đây cũng là doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, ngày 08/6/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2018. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại lớn nhất từ trước đến nay, thu hút trên 600 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.

Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018 - Ảnh 2.

Doanh thu từ vải thiều và hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt 5.755 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay tại Bắc Giang.

Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước; Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Sở Thương mại và Chính quyền nhân dân thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trên 300 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cùng gần 200 phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước...

Trong lời phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định: Vải thiều là sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và luôn được tỉnh quan tâm. Ngay khi kết thúc vụ vải thiều năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác; mở rộng các vùng trồng theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP; quản lý chặt chẽ thị trường kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm. Đó cũng là một trong những lý do quan trọng để vụ vải thiều năm 2018 đạt thành công lịch sử tại tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang chính thức trở thành tỉnh có huyện nông thôn mới

Sáng 8/11/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chính thức ký công nhận huyện Việt Yên (Bắc Giang) đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018.

Huyện Việt Yên trở thành huyện đầu tiên trong số 10 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Trên phạm vi toàn quốc, đây là huyện thứ 56 đạt danh hiệu này.

Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018 - Ảnh 3.

Tỉnh Bắc Giang trở thành tỉnh thứ 29/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Với thành tích của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trở thành tỉnh thứ 29/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Với gần 8 năm phấn đấu, 100% các xã tại huyện Việt Yên có các điểm vui chơi, giải trí, thể thao; 154/154 thôn của 17/17 xã đều có nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, dột nát. Hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định.

Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 7 triệu so với trung bình khu vực nông thôn của cả nước.

Tại huyện Việt Yên, năm 2018, lễ khai hội truyền thống chùa Bổ Đà còn vinh dự đón nhận thêm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận "Mộc bản kinh phật" trong chùa là Bảo vật quốc gia.

Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay chùa Bổ Đà vẫn là nơi tàng lưu một kho tàng di sản văn hóa quý giá của cộng đồng, bao gồm hệ thống tượng thờ theo quy chuẩn hệ thống tượng chùa Miền Bắc; hệ thống văn bia, chuông đồng, hoanh phi câu đối, đồ thờ ... Đặc biệt là kho Mộc bản kinh phật và những thư tịch khác do các vị thiền sư phái Lâm Tế tổ chức sơn khắc từ thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740 -1786) và nhiều đời cao tăng sau này.

Giá trị của Mộc bản kinh phật chùa Bổ Đà đã được khẳng định khi liên tục được các cấp, các tổ chức trong và ngoài nước vinh danh là Mộc bản kinh phật thuộc thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam, cổ nhất thế giới.

Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018 - Ảnh 4.

Bà con nhân dân xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) vui mừng và phấn khởi đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đặc biệt, ngày 10/11/2018, chính quyền và nhân dân huyện Việt Yên đã vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự, chung vui với bà con nhân dân thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xúc động trước sự đón tiếp và tình cảm nồng hậu của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên và bà con trong thôn, xã Ninh Sơn. Thủ tướng chúc mừng, biểu dương những kết quả tốt đẹp trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" của cán bộ và nhân dân toàn tỉnh, toàn huyện Việt Yên và đặc biệt là thôn, xã nơi đây.

Đáng chú ý, huyện Việt Yên là địa phương tiêu biểu mới được chọn thí điểm nhất thể hoá hai chức danh bí thư, chủ tịch tại tỉnh Bắc Giang.

Chính thức bấm nút vận hành nhà máy nước sạch lịch sử 

 Sáng 18/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã chính thức bấm nút vận hành nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang, dẫn nước sạch hàng chục km từ hồ Cấm Sơn, một trong những hồ nước ngọt tự nhiên quý giá và lớn nhất Việt Nam phục vụ hàng trăm ngàn dân. Đây được coi là dự án lịch sử tại tỉnh Bắc Giang.

Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018 - Ảnh 5.

Bấm nút vận hành nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang, dẫn nước sạch hàng chục km từ hồ Cấm Sơn, một trong những hồ nước ngọt tự nhiên quý giá và lớn nhất Việt Nam phục vụ hàng trăm ngàn dân.

Nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Giang do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP- Bắc Giang làm chủ đầu tư xây dựng từ tháng 7/2017, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2016-2018) có công suất cấp nước 29,5 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 40 nghìn m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (2020-2022), công suất cấp nước 59 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 80 nghìn m3/ngày đêm.

Ngoài phục vu nhu cầu nước sạch của toàn bộ cư dân TP Bắc Giang, nhà máy nước sạch này tiến tới cung cấp nước cho toàn bộ khu vực huyện Lạng Giang; các khu đô thị, khu dân cư phía Nam và Tây Nam TP Bắc Giang; một phần huyện Yên Dũng, Việt Yên và các khu, cụm công nghiệp lân cận.

Phục dựng con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên non thiêng Yên Tử

Nhằm quảng bá các di sản văn hoá và thu hút đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức rất thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2018.

Trong đó, điểm nhấn đặc biệt quan trọng là triển khai việc phục dựng con đường lên non thiêng Yên Tử tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng việc khai quật, phục dựng, bảo tồn hàng loạt các di tích Phật giáo vô gía có tuổi đời từ vài trăm đến cả nghìn tuổi dọc tuyến đường Tây Yên Tử này.

Theo thông tin chính thức từ Sở Văn hoá, thể thao và du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bắc Giang sau khi khảo cứu lịch sử và những di tích đã được khai quật, sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập thì sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của người. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông rời kinh thành thượng sơn từ sườn Tây Yên Tử, nhập niết bàn trên núi Ngọa Vân. Sư tổ Pháp Loa và đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây Yên Tử hành đạo Phật sự của Trúc Lâm.

Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018 - Ảnh 6.
Hàng loạt dấu mốc lịch sử được xác lập tại Bắc Giang năm 2018 - Ảnh 7.

Sơ đồ vị trí phục dựng các ngôi chùa cổ và tuyến đường hành hương lên “nong thiêng” Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Các hòa thượng tiền bối Trúc Lâm cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở vùng Bắc Giang. Chứng tích với hàng trăm công trình xây dựng kiến trúc thời Trần trong hơn 2000 di tích lịch sử - văn hóa ở đây. Huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang) có nhiều ngôi chùa thiêng như các chùa: Am Vãi, Bình Long, Yên Mã, Sơn Tháp, Đám Trì, Hồ Bấc.

Đặc biệt, Chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là Di tích quốc gia đặc biệt, có Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó, cho thấy Tây Yên Tử nơi phát tích và sự hưng thịnh của Phật giáo thế kỷ XI đến XIV, từng là Trung ương của Phật giáo thiền phái Trúc Lâm.

Theo Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thuộc danh mục dự án ưu tiên.

Anh Thế