"Yêu thương" có tạo nên văn hóa học đường?
(Dân trí) - Giáo viên không hạnh phúc thì không thể tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Anh bảo vệ là người đầu tiên đón HS vào trường, nếu anh ấy không vui thì HS cũng sẽ cảm thấy "tụt cảm xúc" trong suốt buổi học.
Văn hóa học đường là gì? Mối quan hệ trong nhà trường là những mối quan hệ nào?
Hiểu một cách chung nhất, văn hóa học đường là giá trị cần có của một nhà trường Văn hóa học đường bao gồm 3 thành tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Hệ thống thái độ và niềm tin của tất cả cá nhân trong, ngoài nhà trường; Hệ thống các chuẩn mực văn hóa của nhà trường; Hệ thống các mối quan hệ giữa những cá nhân bên trong nhà trường với nhau, giữa các cá nhân của nhà trường với cộng đồng.
Với tôi, học sinh quan trọng, nhưng giáo viên của tôi cũng quan trọng, chị lao công hay anh bảo vệ trong trường cũng quan trọng. Tôi không xem mối quan hệ nào là mối quan hệ cốt lõi trong nhà trường. Bởi lẽ, giáo viên không hạnh phúc thì không thể tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Anh bảo vệ là người đầu tiên đón học sinh vào trường, nếu anh ấy không vui thì học sinh của tôi cũng sẽ ít nhiều cảm thấy "tụt cảm xúc" trong suốt buổi học. Ai cũng có vai trò quan trọng làm văn hóa nhà trường trở nên tích cực hơn.
Tại Marie Curie, chúng tôi chọn yêu thương là văn hóa cơ bản nhất trước khi nói đến những điều lớn lao kia. Tại sao chúng tôi lại chọn như vậy? Bởi:
Thứ nhất: Học trò là những trẻ dưới 18 tuổi được cả thế giới công nhận và bảo vệ, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989, Việt Nam cũng đã luật hóa bằng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, nay là Luật Trẻ em 2016. Trong tất cả các văn bản luật đó không có chỗ nào, câu nào nói về "Nghĩa vụ" của trẻ em cả, bởi vậy chúng ta cũng không nên đặt ra quá nhiều yêu cầu với trẻ em và học trò.
Thứ hai: Học trò là lứa tuổi chưa hoàn thiện về cả thể chất cũng như tâm sinh lý, do đó mong các em hiểu và thông cảm hoặc hợp tác là điều không hề dễ dàng. Bởi vậy, thay vì chọn đối đầu chúng tôi chọn đối thoại, chọn yêu thương: thầy cô, học trò, gia đình phải đứng về một phía trong học tập hoặc các vấn đề xã hội khác.
Thứ ba: Thời gian học trò ở trường rất dài, nếu ở đó không có sự yêu thương thì nó sẽ trở thành nỗi sợ, khi đó mục tiêu đến trường là để được học và giáo dục sẽ không thể thực hiện được.
Thứ tư: Tôi nhận thấy mọi chuẩn mực văn hóa kể trên nếu xuất phát từ yêu thương thì mới dẫn đến kết quả tốt đẹp được:
-Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn bản thân mình được đối xử.
-Bạn muốn được tôn trọng, hãy tôn trọng mọi người trước tiên.
-Bạn muốn được quý mến, hãy thật chân thành.
Chúng ta đã quan tâm đến văn hóa học đường chưa?
Năm 2008, Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Điều này chứng tỏ giáo dục Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển về đời sống tinh thần nói chung và chất lượng các mối quan hệ nói riêng trong môi trường học đường. Đây chính là một tín hiệu rất đáng mừng cho những người làm trong ngành giáo dục, quan tâm đến giáo dục và muốn xây dựng phát triển nó.
Xây dựng một môi trường học đường thân thiện, lành mạnh, an toàn không những giúp cho giáo viên cảm thấy yêu công việc, phụ huynh tin tưởng nhà trường mà quan trọng nhất là giúp học sinh của chúng ta hứng thú với việc đến trường, yêu trường, yêu lớp…
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đưa ra thông tư 31 về việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông với mục đích phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Nhưng…
Sự quan tâm của chúng ta là chưa đủ. Chúng ta mới chỉ đang lấy điểm số, kết quả từ những kì thi để làm thành tích báo cáo, để đánh giá chất lượng. Việc giáo viên trong trường mâu thuẫn, giáo viên gây khó dễ với học sinh, học sinh và học sinh bạo lực… Những thứ rất thật như thế, ảnh hưởng to lớn đến chất lượng trường học như thế, nghiễm nhiên không bao giờ được đề cập đến trong các báo cáo.
Thiết nghĩ, nếu bây giờ chúng ta cũng lấy thước đo văn hóa học đường của mỗi trường làm thành tích, thống kê về mức độ hài lòng của học sinh, của giáo viên… để làm thành tích đánh giá, so sánh, thì có lẽ sẽ có nhiều thay đổi.
Chúng ta đã làm gì?
Hầu hết các trường học hiện nay đều đi đúng theo chủ trương, phương hướng của Bộ GD&ĐT, các trường đã có Phòng hoặc Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tuy nhiên chủ yếu đều là giáo viên kiêm nhiệm với vai trò tư vấn tâm lý. Điều bất cập ở đây chính là, nếu ai cũng có thể làm các công việc như nhau thì cần gì phải phân chia thành ngành tâm lý, ngành sư phạm…, phải đào tạo 4 năm Đại học để lấy tấm bằng đúng chuyên ngành.
Trường học của tôi đã làm gì?
Năm 2018, trường tôi đã thành lập Phòng tham vấn tâm lý, với đội ngũ 5 nhân viên. Kế thừa và phát huy các mô hình Phòng tham vấn trên thế giới, đồng thời hiểu rõ về tình hình thực tế môi trường giáo dục tại Việt Nam, Phòng tham vấn học đường trường Marie Curie được xây dựng và vận hành theo nguyên tắc 3C, viết tắt của ba chữ: "Chuyên môn - Chuyên nghiệp - Chuyên trách".
Chuyên môn là đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chuyên gia phải được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các công việc theo chức năng của Phòng tham vấn học đường. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, cán bộ tham vấn cần đáp ứng các kỹ năng mềm như: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng diễn thuyết trước đám đông, kỹ năng ghi nhớ... Đồng thời, cần có kỹ thuật làm chủ cảm xúc, quản lý thời gian và kỹ năng phát triển vấn đề để có thể xác định được đúng vấn đề của học sinh.
Chuyên nghiệp là các hoạt động của phòng từ hoạt động phòng ngừa (giảm thiểu những rủi ro về sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến học sinh) đến hoạt động tham vấn đều được phân công phù hợp và xác định đối tượng rõ ràng trong quá trình hỗ trợ. Tất cả mỗi thành viên phải đảm bảo đúng quy trình và đạo đức nghề nghiệp. Kết quả tham vấn được thể hiện trên các mẫu biểu đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện.
Chuyên trách là người được tuyển dụng, để đảm nhiệm công việc thường xuyên, chỉ làm và chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi công việc được giao.
Sau hơn 2 năm hoạt động, chúng tôi đã hỗ trợ được gần 2.000 học sinh và phụ huynh với khoảng 10.000 lượt tham vấn (1 học sinh/ phụ huynh không chỉ cần 1 lần hỗ trợ về mối quan hệ mà thường sẽ cần trung bình 5 lần khi họ có khó khăn về tâm lý).
Tổng số học sinh được hỗ trợ tham vấn từ năm 2019 - 2021:
Tôi hiểu rằng học sinh có nhiều tâm tư, cần sự thấu hiểu, điều này từ phía giáo viên trên lớp là chưa đủ. Cụ thể các nhóm vấn đề trong hơn 2 năm vận hành phòng tham vấn được thống kê dưới biểu đồ sau:
Nhìn lại chặng đường hơn 2 năm qua, cá nhân tôi nhận thấy, mô hình này thực sự rất hiệu quả và đáng nhân rộng. Sự chuyên môn - chuyên trách - chuyên nghiệp của Phòng tham vấn học đường không chỉ mang lại sự tin tưởng với riêng học sinh, phụ huynh mà đối với cả giáo viên, cán bộ công nhân viên trong nhà trường cũng tìm đến để được hỗ trợ.