Bạn đọc viết:
"Tiên học lễ, hậu học văn" có lỗi trong phản biện, sáng tạo của người trẻ?
(Dân trí) - Không cần thiết phải bỏ, chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" mà nên phát triển, bổ sung, sáng tạo tùy thuộc vào ngành học, cấp học cho phù hợp là được.
Không còn "Tiên học lễ, hậu học văn" thì sẽ là gì?
Tại hội thảo với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng cần chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vì nó mang nặng tính phục tùng và không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay. Sau ý kiến này đã gây ra nhiều tranh cãi, đa số ý kiến cho rằng quan điểm này là không hợp lý, thiếu thuyết phục.
Theo quan điểm người viết thì GS Thêm có phần nào nhầm lẫn, áp đặt khi cho rằng "sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, "tiên học lễ hậu học văn", đề cao sự phục tùng".
Lễ nghĩa ở đây cần phải hiểu đó chính là đạo đức. Đối với con người thì đạo đức là gốc, là nền tảng, là trước hết quan trọng nhất nên phải có đạo đức mới có thể tiếp thu tri thức, văn hóa, giáo dục để giúp hình thành nhân cách, trở thành con người có ích cho xã hội, đất nước.
Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là quan điểm lễ nghĩa nho giáo truyền thống, nguyên gốc mà đã được bổ sung các giá trị tiến bộ của thời đại, phù hợp với từng bậc học, cấp học... Tuy vậy, theo quan điểm của GS Thêm thì khẩu hiệu trên đang bị bê nguyên lễ nghĩa nho giáo và lễ nghĩa nho giáo thì không có giá trị tốt gì cần phát huy trong thời đại ngày nay?
Thực tế hiện nhiều trường học vẫn sử dụng các khẩu hiệu khác như "Thi đua dạy tốt - học tốt", "Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực", "Tất cả vì học sinh thân yêu", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"... nhưng cũng không thay đổi bản chất vấn đề là đề cao đạo đức, lễ nghĩa, phép tắc. Điều này phù hợp, không trái với ý nghĩa, mục đích sâu xa của khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".
Vì vậy, không cần thiết phải bỏ, chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" mà nên phát triển, bổ sung, sáng tạo tùy thuộc vào ngành học, cấp học cho phù hợp là được. Bởi không phải vô cớ mà cha ông ta trải qua hàng chục thế kỷ vẫn duy trì, sử dụng khẩu hiệu này và nó vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày hôm nay.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đạo đức, văn hóa, lễ nghi, ứng xử trong trường học một số nơi đang bị xem nhẹ, buông lỏng thì vấn đề lễ nghĩa, đề cao đạo đức càng nên được chú trọng, giữ gìn. Bởi nếu không giữ gìn nền tảng đạo đức có trong khẩu hiệu, "triết lý giáo dục" này thì hậu quả tiêu cực đối với xã hội, nền giáo dục nước nhà sẽ rất lớn.
Minh chứng rất rõ nét là đạo đức học đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, môi trường học đường lộn xộn, "ô nhiễm", nhất là tình trạng "thầy không ra thầy, trò không ra trò" diễn ra khá phổ biến, nghiêm trọng và đang trở thành vấn nạn đối với ngành giáo dục.
Nền giáo dục nặng về điểm số và thành tích
Tôi rất trân trọng tấm lòng của một người thầy muốn chấn hưng văn hóa học đường, khai mở tư duy phản biện và giải phóng sức sáng tạo. Nhưng thú thật, tôi thật sự không hiểu "Tiên học lễ, hậu học văn" có gì sai trong việc quan niệm giáo dục mà chúng ta theo đuổi bao nhiêu năm qua sao?
Câu khẩu hiệu chễm chệ trong mỗi trường học nhắc nhở bài học đầu tiên mỗi đứa trẻ đến trường phải biết thưa gửi thầy cô, thân thiện với bạn bè, về nhà biết chào hỏi bố mẹ, lễ phép với mọi người xung quanh. Đồng thời con trẻ phải trui rèn muôn nét đẹp phẩm chất khác như tính trung thực, sự ngăn nắp, lòng bao dung, tình yêu thương và chia sẻ với con người và muôn vật…
Đó chính là những giá trị văn hóa làm nên cốt cách của con người Việt Nam ta qua bao thế hệ để ta có thể tự hào trước thế giới rằng ta mang dòng máu của người Việt, luôn đặt chữ "lễ" và "nghĩa" trong mọi ứng xử và mối quan hệ.
Đó cũng chính là phông văn hóa ứng xử mà nhiều nước trên thế giới dẫu phát triển mạnh mẽ thế nào về kinh tế cũng luôn chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo con người hoàn thiện về đức - trí - thể - mỹ.
Việt Nam ta bao đời tạo dựng được nếp nhà và giữ gìn nền nếp kỷ cương xã hội cũng từ chính những bài học về lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách. Bên cạnh lớp lớp học sinh giỏi tri thức, chúng ta luôn cố gắng vun bồi vẻ đẹp tâm hồn thông qua các bộ môn đạo đức ở tiểu học, giáo dục công dân ở trung học và lồng ghép trong nhiều môn học khác.
Bác Hồ đã từng nhắc nhở về cách thức giáo dục một nhân tài: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Mối quan hệ khăng khít giữa đức - tài đã nêu bật lên giá trị của một con người. Và đó cũng chính là kim chỉ nam trong tư duy giáo dục.
Và mối quan hệ giữa "lễ" và "văn" trong câu khẩu hiệu có hầu khắp các trường học lâu nay cũng thể hiện ngắn gọn, súc tích phương châm giáo dục của nước nhà: Một người muốn học văn hóa phải học lễ nghĩa, phép tắc.
Đúng là thời đại công nghệ 4.0 đang mở ra cánh cửa không giới hạn cho năng lực con người thỏa sức vùng vẫy, khám phá và chinh phục đỉnh cao. Đúng là học sinh Việt Nam lâu nay vẫn luôn bị gò bó trong khuôn khổ của việc học: thầy đọc trò chép, thầy nói đúng trò ít khi dám phản biện rằng sai. Đúng là nền giáo dục của chúng ta vẫn còn nặng nề về điểm số, thành tích nên thầy ít khi rời bài giảng kiến thức để cùng trò mày mò tìm hiểu, thử thách chính mình…
Nói cách khác, tư duy phản biện và sức sáng tạo của người học đang bị kìm kẹp bởi nền tảng giáo dục nặng nề mang tính "ra lệnh" từ gia đình đến nhà trường. Vì vậy nên điều căn bản chúng ta cần thay đổi chính là thay đổi cách thức giáo dục trẻ, thay vì áp đặt một chiều thì hãy gợi mở để trẻ sẵn lòng cất lên tiếng nói của mình.
Tất nhiên là một con người giàu sáng tạo, mạnh mẽ phản biện vẫn luôn cần vun bồi thêm nét đẹp tâm hồn đến từ nền giáo dục chú trọng đạo đức, nhân cách. Và câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" xét đến cùng không có lỗi gì trong việc hạn chế phản biện, sáng tạo của người trẻ.