Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chương trình SGK mới
(Dân trí) - Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng gửi Quốc hội về một số vấn đề giáo dục, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQTW/ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Đồng thời Ủy ban nhấn mạnh 5 vấn đề dưới đây.
Triển khai Nghị quyết 29 chậm, chưa đồng bộ
Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, đề án cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết 29 còn chậm và chưa đồng bộ. Cho đến nay, Chính phủ mới chỉ đạo hoàn thành được 08/18 đề án, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 44/NQ-CP. Nhiều đề án quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện Nghị quyết 29 vẫn chưa được ban hành, như: Đề án đổi mới cơ chế đầu tư cho GDĐT và dạy nghề; Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập ngành GDĐT và dạy nghề; Đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục; Đề án phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông;…
Thường trực Ủy ban cho rằng, việc đổi mới căn bản toàn diện GDĐT là một chủ trương lớn, có tính cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng, cần được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn, trước hết là từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29; huy động sự tham gia phản biện, giám sát của các chuyên gia và của toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục cho địa phương, cơ sở GDĐT theo hướng giao quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và bảo đảm sự giám sát của xã hội.
Đề nghị sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm
Đề án mới chủ yếu tập trung quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và CBQLGD phổ thông, chưa có các giải pháp mạnh để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới. Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, đầu tư cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQLGD chưa được triển khai quyết liệt; chưa có chính sách hữu hiệu để thu hút học sinh, sinh viên giỏi vào các trường sư phạm...
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu xác định công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQLGD là giải pháp đột phá, từ đó có cơ chế, chính sách ưu tiên, thiết thực để phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQLGD đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tập trung đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên. Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, tập trung vào một số cơ sở đào tạo mạnh, chú trọng đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm.
Đầu tư cho giáo dục còn dàn trải
Quan điểm của Đảng thể hiện trong Nghị quyết 29: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực về tài chính, về công tác đầu tư để triển khai thực hiện Nghị quyết 29 còn nhiều bất cập. Các đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục liên quan đến đầu tư, tài chính chưa được triển khai. Trong khi đó, việc đầu tư cho giáo dục thời gian qua vẫn còn dàn trải, chưa hiệu quả.
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ đảm bảo ngân sách cho giáo dục và quan tâm tập trung ưu tiên các nguồn đầu tư cho GDĐT; quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư cho GDĐT hiệu quả công khai, minh bạch; đổi mới cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho GDĐT. Xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho GDĐT, khuyến khích phát triển cơ sở GDĐT ngoài công lập chất lượng cao.
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chương trình SGK mới
Về chương trình giáo dục phổ thông: Từ sau khi Chương trình tổng thể được công bố vào tháng 7/2015, tiến độ thực hiện đề án Chương trình tổng thể về phổ thông rất chậm. Các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có nhiều chuyển biến. Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chưa ban hành. Trong khi đó, thời hạn dự kiến đưa vào áp dụng đại trà chương trình giáo dục mới đang đến gần (năm học 2018-2019). Thường trực Ủy ban nhận thấy Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ kế hoạch và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ và chất lượng như yêu cầu của Nghị quyết.
Về nội dung, chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, các cơ sở giáo dục đã có nhiều giải pháp đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Tuy vậy, chương trình, nội dung vẫn còn thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn, thiếu sự liên thông giữa các loại hình đào tạo.
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc xây dựng kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ và yêu cầu Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội; tích cực chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đại học và sau đại học theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học.
Cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân chưa hợp lý
Thường trực Ủy ban nhận thấy cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta thời gian qua chưa hợp lý, đồng thời cũng thiếu thống nhất trong quản lý; chưa có sự liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phân luồng học sinh cũng như hạn chế việc xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời.
Việc tổ chức nghiên cứu, triển khai xây dựng và ban hành văn bản, đề án về tái cơ cấu, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân còn chậm. Chưa có những giải pháp cụ thể, khả thi để tăng cường định hướng, phân luồng học sinh ngay sau trung học cơ sở.
Thường trực Ủy ban cho rằng, việc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT không thể thành công nếu không giải quyết được vấn đề phân luồng và liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, các loại hình đào tạo. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm quyết liệt trọng chỉ đạo thực hiện mục tiêu liên thông, phân hóa, phân luồng một cách căn bản như yêu cầu của Nghị quyết 29.
Cân nhắc khi chọn lựa ngoại ngữ
Qua ý kiến của nhiều cử tri, Thường trực Ủy ban cũng cho rằng, việc triển khai mở rộng đại trà hoạt động dạy và học đối với bất kỳ một ngoại ngữ nào trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về chương trình, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ một cách thực chất và hiệu quả.
Thường trực Ủy ban đề nghị: Cần có tổng kết, đánh giá nghiêm túc thực trạng triển khai dạy và học ngoại ngữ thời gian qua để làm căn cứ cho việc xây dựng định hướng và triển khai dạy và học ngoại ngữ trong những năm tiếp theo.
Việc xác định ngoại ngữ nào được đưa vào giảng dạy, giảng dạy theo phương thức bắt buộc hay tự chọn và giảng dạy bắt đầu từ lớp mấy phải căn cứ trên nhu cầu thực tiễn.
Mỹ Hà