Ý tưởng sáng tạo của học sinh cấp 2 từ vụ một công nhân bị lũ cuốn

Doãn Công

(Dân trí) - Xuất phát từ việc một công nhân bị lũ cuốn mất tích khi qua bờ tràn, nhóm học sinh cấp 2 ở Bình Định sáng tạo ra hệ thống quan trắc mực nước từ xa, hướng dẫn an toàn tại bờ tràn thoát lũ.

Ngày 30/8, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ XI năm 2024, với 53 giải pháp đoạt giải. Trong đó, có 3 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.

Theo ông Lê Văn Tâm, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ XI năm 2024, cho hay cuộc thi năm nay có số lượng giải pháp tham dự nhiều nhất so với các lần trước, với 109 giải pháp.

Ý tưởng sáng tạo của học sinh cấp 2 từ vụ một công nhân bị lũ cuốn - 1

Nhóm học sinh Trường THCS thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước (Bình Định) với giải pháp Hệ thống quan trắc mực nước từ xa và hướng dẫn an toàn tại các bờ tràn thoát lũ (Ảnh: Bình Định).

"Qua các mô hình, sản phẩm dự thi cho thấy các ý tưởng sáng tạo của lứa tuổi thanh, thiếu nhi tỉnh Bình Định rất phong phú, có ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các ý tưởng đều mang lại hiệu quả thiết thực trong học tập, vui chơi giải trí, sản xuất và đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương", ông Tâm nói.

Điển hình ở lĩnh vực môi trường và phát triển kinh tế với giải pháp đạt giải nhất với "Máy thu gom, băm lục bình (bèo) và rau muống nước" của nhóm học sinh Lê Nguyễn Thanh An và Trần Lê Vĩ, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn.

Giải pháp được thực hiện xuất phát từ thực tế địa phương, nhiều kênh mương thủy lợi bị tắc do bèo và rau muống nước phát triển quá mức.

Ý tưởng sáng tạo của học sinh cấp 2 từ vụ một công nhân bị lũ cuốn - 2

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao thưởng đến nhóm học sinh đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI năm 2024 (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Tâm, với kết cấu gọn nhẹ nhưng đảm bảo được độ cứng, vững và khả năng cơ động cao, kết hợp nhiều tính năng thu gom. Đặc biệt, máy có thể tự thực hiện gom bèo thông qua điều khiển từ xa một cách nhanh gọn mà không cần sự can thiệp của con người. Qua đó, giúp giảm chi phí, công lao động mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng hộ gia đình.

Ở lĩnh vực phần mềm tin học, giải pháp đạt giải Nhất: "Hệ thống quan trắc mực nước từ xa và hướng dẫn an toàn tại các bờ tràn thoát lũ" của nhóm học sinh Trần Võ Bảo Châu (8A3), Nguyễn Thục Quyên (6A2), Tô Hương Giang (6A1), Đỗ Trần Trí Tín (9A1), Đỗ Huyền Nhi (9A1), Trường THCS Thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước.

Chia sẻ về giải pháp trên, em Trần Võ Bảo Châu nói: "Xuất phát từ mùa lũ năm ngoái, tụi em đọc trên báo biết có một công nhân ở địa phương đi xe máy khi qua tràn bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong.

Vì vậy, chúng em nảy ra sáng kiến phải tạo ra được hệ thống quan trắc mực nước từ xa và hướng dẫn cảnh báo an toàn ở các bờ tràn thoát lũ. Hệ thống sẽ hiển thị các thông số về độ cao mực nước, tốc độ dòng chảy cho người dân biết an toàn hay nguy hiểm".

Theo Ban tổ chức, cuộc thi lần này còn có nhiều giải pháp liên quan đến lĩnh vực lịch sử, địa lý, văn hóa, con người Bình Định… hỗ trợ, cung cấp cho người dùng, đặc biệt là giáo viên và học sinh cấp trung học, bộ công cụ hỗ trợ các kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương ứng dụng trong môn học giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.