Y dược khó tuyển sinh, người học sư phạm giảm gần một nửa
(Dân trí) - Con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy, quy mô đào tạo đại học khối ngành sức khỏe giảm đều trong ba năm liên tiếp trong khi khối ngành sư phạm chứng kiến sự sụt giảm mạnh đến 41%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố thống kê về quy mô đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ trong ba năm học 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023.
Theo đó, khối ngành VI (sức khỏe) và khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) lần lượt đứng vị trí thứ 4 và thứ 5 trong tổng số 7 khối ngành đào tạo.
Đáng chú ý, liên tục trong ba năm, khối ngành sức khỏe có sự giảm sút đều về quy mô. Cụ thể, năm học 2020-2021 có 154.155 sinh viên; năm học 2021-2022 có 147.605 sinh viên; năm học 2022-2023 có 143.775 sinh viên. Mức giảm từ 2,5-4,2%.
Đặc biệt, khối ngành đào tạo giáo viên giảm sâu tới 41,04%. Năm học 2021-2022, khối ngành này có 151.504 sinh viên, cao hơn quy mô của khối ngành sức khỏe. Nhưng tới năm 2022-2023, số sinh viên giảm gần một nửa, còn 89.321.
Dẫn đầu về quy mô đào tạo đại học là hai khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật) và V (toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y).
Hai ngành này liên tục đổi vị trí số 1 cho nhau với mức chênh lệch số sinh viên không nhiều.
Riêng năm 2023, khối ngành V bứt phá với số lượng sinh viên tăng đột biến thêm hơn 40 ngàn sinh viên và nhiều hơn khối ngành III gần 80 ngàn sinh viên.
Tuy vậy, ở bậc đào tạo thạc sĩ, khối ngành III giữ vững ngôi đầu bảng trong khi khối ngành V xuống vị trí thứ 3 với quy mô chỉ bằng 50% so với khối ngành III.
Giữ ổn định ở vị trí số 3 là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng).
Nếu như năm 2021-2022, khối ngành này có sự đột phá mạnh mẽ khi tăng quy mô lên tới 74,2%, thì năm 2022-2023 có sự giảm nhẹ. Tuy vậy, quy mô của khối ngành VII vẫn hơn khối ngành sức khỏe 2,78 lần và cao hơn khối ngành đào tạo giáo viên 4,49 lần.
Hai khối ngành có quy mô đào tạo thấp nhất khối ngành II (nghệ thuật) và khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên).
Sự sụt giảm của khối ngành sức khỏe và sự khó khăn tuyển sinh nhiều năm với khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là hệ quả của tình trạng thí sinh dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên giảm đều các năm qua.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, chỉ có 323.187 thí sinh dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, chiếm 31,52% tổng thí sinh.