"Xuất khẩu toán chuyên" sang vùng Vịnh
Một số thầy giáo dạy toán chuyên của Việt Nam vừa "chạy sô” dạy cho học sinh chuyên toán ở vùng Vịnh. Trở về từ Arab Saudi, chuyện kể của người đi dạy cho thấy nhiều điều thú vị...
Thỉnh giảng "xuyên quốc gia"
Nằm trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Arab Saudi rất quan tâm đào tạo học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên và tham dự các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là Olympic Toán Quốc tế (IMO).
Thầy Lê Phúc Lữ (bên phải) đang coi thi kỳ thi TST (Team Selection Test) chọn học sinh tham gia đội tuyển Arab Saudi tham dự kỳ thi IMO 2015 |
Tuy đã mấy năm tham dự IMO nhưng kết quả chưa tốt nên sau 2008, Arab Saudi có thay đổi. Quỹ Nhà vua Abdullah và Các cộng sự dành cho tài năng và sáng tạo được thành lập và đảm nhận tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi thay cho Bộ Giáo dục Arab Saudi.
Tại IMO 2009, Arab Saudi làm quan sát viên, IMO 2010 tham dự chính thức. Đến IMO 2012, Arab Saudi có kết quả rực rỡ khi lần đầu tiên đạt hai huy chương bạc. Để bồi dưỡng học sinh giỏi toán, Arab Saudi chủ yếu nhờ các chuyên gia đến từ Mỹ, Trung Quốc, Rumania, Bulgaria.
Ấn tượng với thành tích Việt Nam đạt được ở các kỳ thi IMO, từ đầu năm 2013, Arab Saudi đã cử người sang Việt Nam gặp PGS-TS. Lê Anh Vinh, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - một chuyên gia đào tạo toán của Việt Nam, để tìm hiểu kinh nghiệm tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi của Việt Nam và nhờ hỗ trợ.
PGS-TS. Lê Anh Vinh sinh năm 1983, đoạt huy chương bạc IMO 2001, đậu tiến sĩ Harvard năm 2010 khi 27 tuổi và được phong hàm phó giáo sư năm 2013 khi 30 tuổi.
Tháng 9/2014, TS. Lê Anh Vinh sang dạy đợt đầu tiên cho học sinh giỏi toán của Arab Saudi tại Đại học KAUST để nắm tình hình và lên kế hoạch chung cho các kỳ thi toán trong năm 2015 của học sinh trường này.
Ngoài IMO, Arab Saudi còn dự nhiều kỳ thi khu vực như Olympic Toán vùng Vịnh, Olympic Toán vùng Balkan (BMO), Olympic vùng Balkan cho học sinh trung học cơ sở (JBMO), Olympic Toán Châu Á - Thái Bình Dương (APMO), Olympic Toán nữ sinh Châu Âu (EGMO).
Đầu tháng 1/2014, TS. Trần Nam Dũng, Khoa Toán - Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM sang KAUST dạy hai tuần.
TS. Trần Nam Dũng đoạt huy chương bạc IMO 1983, bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Lômônôxốp (Nga) và từng có nhiều đóng góp cho phong trào chuyên toán ở miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Học sinh và thầy giáo cùng chơi thể thao. TS. Trần Nam Dũng (áo đỏ) ngồi giữa |
Đến tháng 4/2014, các thầy Nguyễn Duy Thái Sơn (Đại học Đà Nẵng), Vũ Thế Khôi (Viện Toán học), Phạm Kim Hùng (huy chương vàng IMO 2004, huy chương bạc IMO 2005) tiếp tục sang dạy cho các đội tuyển của Arab Saudi trong giai đoạn chuẩn bị thi BMO.
Tháng 5/2014, đoàn ba thầy giáo từng gắn bó với phong trào chuyên toán ở TP.HCM gồm Trần Nam Dũng, Võ Quốc Bá Cẩn, Lê Phúc Lữ lại có ba tuần giảng dạy tại KAUST. Lê Phúc Lữ nguyên là học sinh giỏi quốc gia môn toán, hiện làm việc tại FPT. Võ Quốc Bá Cẩn là tác giả có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về bất đẳng thức.
Theo TS. Trần Nam Dũng, học sinh giỏi toán ở KAUST được chia thành 4 mức độ: 1, 2, 3, 4. Mức độ 4 là để dự thi BMO, IMO, mức độ 2 là để dự thi JBMO. Học sinh ở mức độ 2, 3 được bồi dưỡng để thay thế đàn anh ở mức độ 4 đi học đại học.
Chương trình học ở KAUST khá nặng, một ngày học ba buổi, mỗi buổi ba giờ. Tài liệu do giáo viên tự soạn.
Ấn tượng của các thầy giáo Việt Nam về học sinh Arab Saudi là các em rất ngoan, thông minh, chịu khó hỏi và đa số giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Nhưng có lẽ do được học nhiều thầy và đa số các thầy là thỉnh giảng nên phần nền tảng, kỹ năng của các em chưa thực sự tốt.
Các kỳ thi chọn đội tuyển để thi IMO ở Arab Saudi được tổ chức nghiêm túc nhưng rất nhẹ nhàng. Học sinh cũng "máu me" để lọt vào đội, nhưng rất trung thực, vô tư. Các thầy chấm bài thi xong dành một ngày để học sinh lần lượt vào trao đổi, khiếu nại về điểm.
Trò cố gắng giải thích để thầy cho thêm điểm. Thầy cũng giải thích tại sao lại cho điểm như thế. Cũng có khi thầy cho lên điểm vì có thể chấm sót hoặc chấm chặt.
KAUST: Ngôi trường đặc biệt
Không thể chỉ nói đến toán chuyên ở Arab Saudi mà không nói đến Đại học KAUST. Khi thành lập KAUST vào năm 2010, mục tiêu của Vua Abudullah bin Abdulaziz đưa ra là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và các nước trong khối Ả rập.
"Đại học KAUST phải là một ngọn hải đăng của hòa bình, hy vọng và hòa giải, phải phục vụ cho nhân dân của Vương quốc và cho lợi ích của tất cả các dân tộc trên thế giới", nhà vua nói trong buổi lễ khai trương KAUST.
KAUST được xây dựng gần làng đánh cá Thuwal, cách thành phố Jeddah khoảng 90km, bên bờ biển Hồng Hải.
Trong buổi gặp mặt học sinh tham dự tập huấn các môn thi quốc tế toán, lý, hóa, GS. Jim Calvin thay mặt lãnh đạo KAUST căn dặn: "Các em được tập trung học ở đây, được các huấn luyện viên giỏi đến từ nhiều nước dạy dỗ, rèn luyện không chỉ để tìm được một chỗ trong đội tuyển, được đại diện đất nước tham dự các kỳ thi quốc tế mà hơn thế, còn được rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kỷ luật, với cường độ cao, biết đối diện với khó khăn, thách thức. Đó là điều rất cần thiết cho nhà khoa học tương lai. Các em hãy biết tận dụng cơ hội tuyệt vời này để đem lại lợi ích cao nhất cho bản thân, và cũng có nghĩa là sẽ đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, cho thế giới".
Với mục tiêu như vậy, nhà vua đã chỉ đạo xây dựng KAUST là một ngôi trường đặc biệt, có quy chế tài chính đặc biệt. Trước hết, việc xây dựng và vận hành KAUST được giao cho Bộ Tài nguyên - một bộ nhiều quyền lực ở Arab Saudi. Về chuyên môn thì có sự tư vấn ở mức cao nhất của Đại học Stanford, Mỹ.
Điều kiện cơ sở vật chất là tuyệt vời. Các phòng học, phòng thí nghiệm đều được trang bị hiện đại nhất (hệ thống máy tính hoàn toàn của Apple), mạng có dây và không dây phủ khắp trường.
Thư viện mở 24/24 với các phòng làm việc tiện nghi. Học viên độc thân được bố trí trong các tòa nhà tứ lập (một tòa nhà có 4 căn hộ, một căn hộ có 4 phòng riêng cho 4 học viên, có bếp, phòng khách dùng chung). Học viên có gia đình được ở căn hộ riêng.
Hệ thống xe buýt miễn phí phủ khắp KAUST và cứ 15 phút có một chuyến, chạy rất đúng giờ, từ 7h - 24h.
Nhờ có những giáo sư hàng đầu đến từ nhiều quốc gia, định hướng nghiên cứu của KAUST luôn cập nhật cái mới. Hằng tháng KAUST xuất bản tờ BEACON để giới thiệu về hướng nghiên cứu, những nhân vật và sự kiện trong đời sống khoa học không chỉ của KAUST.
Vừa trở về từ KAUST, TS. Nam Dũng chia sẻ: "Không dễ học theo cách làm của KAUST vì tiềm lực của họ quá dồi dào. Tuy nhiên, về tinh thần làm việc, có mấy thứ Việt Nam có thể học. Thứ nhất là định hướng được xác định rõ ràng: KAUST chỉ làm khoa học ứng dụng. Thứ hai là tập trung vào một mũi nhọn: KAUST chỉ tập trung cho sau đại học với điều kiện tuyển sinh gắt gao. Thứ ba là tinh thần làm việc dân chủ, cầu tiến và đặc biệt trung thực".
Theo TS. Trần Nam Dũng, trước mắt, nếu chưa làm được cái lớn như KAUST thì Việt Nam có thể đầu tư cho Viện Toán cao cấp VIASM ở Hà Nội, Trung tâm John von Neumann ở TP.HCM.
Có thể chọn một địa điểm nào đó, nên tách hẳn thành một "ốc đảo khoa học" và có cơ chế đặc biệt để các nhà khoa học vào đó là yên tâm tập trung cho khoa học.
Theo Hy Hưng (Doanh nhân Sài Gòn Online)