Xử lý hiệu trưởng nếu xác định chỉ tiêu không trung thực
(Dân trí) - “Quy chế tuyển sinh 2012 sẽ bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng và những người khác liên quan nếu kê khai các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng, không trung thực” .
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định như vậy tại Hội nghị Hiệu trưởng ĐH, CĐ diễn ra ngày 14/2 tại Hà Nội.
Vì vậy, Quy chế tuyển sinh 2012 sẽ bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng và những người khác liên quan nếu kê khai các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng, không trung thực.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, cho đến thời điểm hiện nay, Bộ đã nhận được đăng ký chỉ tiêu của 133/176 trường ĐH và 152/212 trường CĐ. Kết quả tổng hợp sơ bộ cho thấy, có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký chỉ tiêu vượt quá năng lực thực tế của nhà trường.
Thứ trưởng Ga đề nghị: “Sau hội nghị này, các trường cần khẩn trương rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh 2012 đã đăng ký. Đối với những trường hợp đặc biệt, cơ sở đào tạo cần nêu những biện pháp khắc phục và đề xuất phương án đảm bảo chất lượng đào tạo trong tuyển sinh năm 2012 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể”.
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách 20 trường ĐH, CĐ bị xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2011 mà chủ yếu là do tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Đó là các trường ĐH Kinh tế TP.HCM (tuyển vượt 3.453 thí sinh); ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội (tuyển vượt 899 thí sinh); ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN (tuyển vượt 247 thí sinh); ĐHDL Duy Tân (tuyển vượt 504 thí sinh); ĐH Công nghiệp Hà Nội (tuyển vượt 1314 thí sinh); CĐ xây dựng số 1 (tuyển vượt 300 thí sinh); CĐ Y tế Đồng Nai (tuyển vượt 104 thí sinh); CĐ Xây dựng số 2 (tuyển vượt 228 thí sinh); CĐ cộng đồng Kiên Giang (tuyển vượt 96 thí sinh); CĐ Giao thông vận tải số 3 (tuyển vượt 247 thí sinh); CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM (tuyển vượt 288 thí sinh); CĐ Kinh tế - Kỹ thuật trung ương (tuyển vượt 126 thí sinh); CĐ Công nghệ Thủ Đức (tuyển vượt 177 thí sinh); CĐ Thống kê (tuyển vượt 74 thí sinh).
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Chúng tôi đang bàn để cân nhắc không gây sức ép tăng số lượng, chỉ tăng trên cơ sở đảm bảo chất lượng. Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng nóng, việc một vài địa phương tuyên bố không tuyển sinh sinh viên trường ngoài công lập, tại chức... chúng ta phải nghiêm túc đón nhận cảnh báo này, xem xét lại chất lượng đào tạo của mình. Bộ quan niệm, thầy giáo là yếu tố quyết định, phòng học, phòng thí nghiệm và thư viện cũng là yếu tố quan trọng. Không thể chấp nhận mỗi bộ môn chỉ có một người giảng viên. Do vậy, phải điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ giảm, không thể khác được".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có một số nội dung chưa được Bộ GD-ĐT đề cập. Đó là, việc mất cân đối trong tuyển sinh. Phó Thủ tướng cho hay, tuyển sinh những năm qua có hơn 40% thí sinh thi vào ngành kế toán, tài chính ngân hàng. Như vậy có cần điều chỉnh, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh có tiếp tục làm mất cân đối không... Bên cạnh đó, chưa thấy Bộ báo cáo về đổi mới quản lý tài chính như yêu cầu về tăng học phí thì tăng chất lượng như thế nào. Quốc hội chấp nhận tăng học phí thì chất lượng giáo dục tăng đến đâu? Việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, các báo cáo chưa đề cập. Việc thực hiện 3 công khai của các trường đến đâu, có tác dụng gì, kết quả ra sao chưa thấy báo cáo. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy ,bồi dưỡng giáo viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đến năm 2014 có chấm dứt được tình trạng “ĐH dạy ĐH”. |
Hồng Hạnh