Xu hướng lựa chọn khóa học ngắn hạn thay vì học đại học
(Dân trí) - Giờ đây một số người trẻ đã lựa chọn các khóa đào tạo ngắn hạn như "một con đường tắt" thay thế cho học đại học 4 năm.
Khóa học ngắn hạn là một dạng chương trình đào tạo được cấp phép tổ chức trong một khoảng thời gian ngắn (dưới 6 tháng) nhằm bổ sung, bồi dưỡng kiến thức về một lĩnh vực bất kỳ.
Nhiều người đi làm mong muốn có khả năng thăng tiến tốt hơn nên đăng ký học lấy chứng chỉ qua các khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao trình độ. Mặt khác, một số người vì đam mê và nhu cầu muốn thử sức nên lựa chọn tham gia các khóa học ngắn hạn này.
Các khóa học ngắn hạn vô cùng đa dạng, phổ biến nhất là các chương trình đào tạo về ngoại ngữ, kinh doanh, truyền thông, âm nhạc hay lập trình.
Bàn đạp để làm việc trái ngành
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên thường gặp khó khăn và thách thức khác nhau trong quá trình đi xin việc. Một số ít may mắn tìm được công việc đúng với chuyên ngành, số khác phải chấp nhận làm việc trái ngành hoặc lựa chọn các vị trí không phù hợp, có mức thu nhập thấp.
Nguyễn Phương Thảo là sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản lý xã hội của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng: "Nếu giới hạn bản thân chỉ xin việc đúng chuyên ngành mình học thôi là chính mình đang lược bỏ đi nhiều cơ hội tốt hơn trong sự nghiệp".
"Trong quá trình học trên trường lớp, mình cũng cảm thấy chưa thực sự phù hợp với ngành Quản lý xã hội nên đã xin bảo lưu một thời gian. Mình mong muốn được tìm hiểu nhiều lĩnh vực liên quan tới sáng tạo hơn và đã quyết tâm đăng ký học một khóa học đào tạo Marketing", Phương Thảo tâm sự.
Không chỉ tiếp thu được nhiều kiến thức thực tế trong các khóa đào tạo ngắn hạn, học viên cũng dễ dàng kết nối tới các cơ hội công việc và những người bạn học có chung mục tiêu.
"Điều khiến mình bất ngờ là trong lớp học Marketing của mình, kiến thức được tổng hợp vô cùng rõ ràng, học xong là mình hoàn toàn có thể tự tin thực chiến tham gia vào ngành luôn. Nhờ đó mà thu nhập của mình đang khá ổn định", Phương Thảo nói.
Rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu
Không lựa chọn học đại học như bạn bè đồng trang lứa, Đỗ Trung Nguyên, 22 tuổi đã quyết định theo đuổi đam mê của mình trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống.
"Từ nhỏ mình luôn có ước mơ sở hữu một nhà hàng dành riêng cho mình mà việc kinh doanh thì cũng không cần nhiều bằng cấp. Để tạo ra một cửa hàng có dịch vụ và chất lượng tốt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Bởi vậy, mình không lựa chọn học tiếp lên đại học mà chỉ trau dồi thêm kiến thức qua các khóa đào tạo ngắn hạn về kinh doanh và pha chế cà phê", Trung Nguyên chia sẻ.
Tùy vào tính chất công việc và đặc trưng của ngành nghề mà mỗi vị trí sẽ có yêu cầu trình độ học vấn của ứng viên khác nhau.
"Hiếm có một trường đại học nào dạy ở bậc cử nhân cách lên thực đơn hay kỹ năng pha chế cà phê. Mình không khuyến khích tất cả mọi người rằng không cần học đại học vẫn có thể thành công.
Nhưng trên thực tế, một số ngành nghề sẽ có những lựa chọn thay thế khác thông minh hơn để rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu", Trung Nguyên chia sẻ.
Khai phá những tiềm năng mới của bản thân
Chúng ta thường xuyên nghe được những lời khuyên rằng khi còn trẻ nên thử sức khi còn có thể. Càng trải nghiệm chúng ta càng tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm và vốn sống.
Nguyễn Thu Trang, 22 tuổi chia sẻ: "Trong quá trình thực tập trong ngành giáo dục, mình nhận ra kỹ năng nói trước công chúng sẽ mang tới cho mình nhiều cơ hội để phát triển hơn trong tương lai so với chỉ sở hữu kiến thức chuyên môn".
"Tốn một khoảng thời gian dài suy nghĩ, mình đã tìm kiếm và tham gia một lớp học huấn luyện MC tại một trung tâm uy tín tại Hà Nội. Khóa học kéo dài vỏn vẹn trong 6 tuần nhưng mình thực sự ấn tượng bởi sự thay đổi của bản thân qua từng buổi học", Thu Trang nói.
Tại những trung tâm tổ chức các chương trình dạy học uy tín, giáo trình của mỗi khóa học được nghiên cứu bởi các giảng viên vô cùng tâm huyết với nghề, nội dung sát với thực tế, tạo dựng được tình huống để học viên va chạm với nghề.
"Từ cách lấy hơi, viết kịch bản cho tới cách xử lý các tình huống phát sinh trên sân khấu. Ban đầu mình chỉ định trang bị thêm kỹ năng mới cho bản thân nhưng giờ đây dường như khóa học đã khai phá một năng lực tiềm ẩn trong mình. Hiện tại mình đang cố gắng xây dựng bản thân và hướng tới một tương lai trong vai trò một người dẫn chương trình thực thụ", Thu Trang chia sẻ.
Năng lực cần phù hợp với nhu cầu của thị trường
Thị trường lao động đang ngày càng mở rộng với nhiều nhóm ngành nghề mới, mức lương khởi điểm của người lao động cũng đang có xu hướng tăng. Chính vì vậy, nếu người trẻ thực sự có năng lực, có quyết tâm sẽ không thiếu "đất dụng võ".
Chia sẻ về xu hướng lựa chọn khóa học ngắn hạn thay thế cho học đại học, thầy Trần Quang Thọ, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét: "Sự bùng nổ của những cơ hội việc làm trên nền tảng số đã tạo ra nhiều hướng phát triển cho các bạn trẻ.
Tôi ủng hộ các bạn va chạm và tìm tòi nhưng cần cân nhắc tới năng lực của bản thân và nhu cầu của thị trường để lựa chọn ra đáp án đúng cho sự nghiệp của mình".
"Tôi cho rằng những ngành nghề mới du nhập vào Việt Nam như Business Analyst (chuyên viên phân tích kinh doanh) hoặc yêu cầu phẩm chất sáng tạo, kỹ năng như MC (người dẫn chương trình) sẽ phù hợp với các chứng chỉ ngắn hạn", thầy Quang Thọ nói.
Thành công không hề có một công thức chung, nên lựa chọn định hướng cho bản thân như thế nào là trách nhiệm của mỗi người đối với chính tương lai của mình.
"Tuy vậy, nên lưu ý rằng khi thị trường lao động có đủ hoặc dư lượng nhân sự thì chỉ có những bạn sinh viên với nền tảng học thuật tốt mới có thể đi xa hơn với nghề", thầy Quang Thọ tâm sự.