Xót xa cử nhân đi làm ô sin, bảo vệ
(Dân trí) - Sau nhiều năm miệt mài học trên giảng đường, không ít cử nhân chấp nhận làm công việc chẳng liên quan gì tới ngành nghề được đào tạo, thậm chí làm lao động phổ thông. Nhiều bạn trẻ chia sẻ: “Đi làm công việc này để kiếm sống đã, rồi tìm việc chuyên môn tính sau…”.
Chấp nhận làm trái ngành
Tốt nghiệp đại học năm 2007 với tấm bằng cử nhân ngành Ngân hàng, Đoàn Thanh Thu (sinh năm 1985, quê Lạng Sơn) trúng tuyển vào vị trí nhân viên phòng giao dịch chi nhánh Lạng Sơn của một ngân hàng TMCP.
“Năm 2010, em lập gia đình và muốn xin chuyển về Hà Nội. Nhưng chưa được vì hệ thống nội bộ không còn chỗ để bố trí. Em đành nghỉ việc ở nhà sinh con. Năm 2013, em đi thi tuyển giao dịch viên ở nhiều ngân hàng nhưng khó quá vì xu hướng cắt giảm nhân sự” - Thu tâm sự. Trong khó khăn, cô tìm tới Trung tâm Giới thiệu Việc làm (TT GTVL) Thanh niên Hà Nội - Thành đoàn Hà Nội. Tham khảo hàng loạt vị trí tuyển dụng, Thu chọn công việc giúp việc gia đình theo giờ.
Với công việc dọn dẹp căn hộ, giặt giữ quần áo theo yêu cầu của các hộ gia đình, mỗi ngày Thu làm trung bình 3 ca. Cô tâm sự: “Mỗi ca khoảng 3 tiếng, giá từ 30 - 40 ngàn đồng/giờ. Công việc cũng không nặng nhọc lắm nhưng phải đi lại nhiều. Đặc biệt những ngày nắng nóng đầu hè, có khi em đi từ 10-15 km để tới các điểm làm việc”.
Sau gần 1 năm găn bó, dường như Thu vẫn chưa có ý định dừng lại công việc làm ô sin theo giờ đem lại thu nhập từ 7-8 triệu đồng. Cô cho rằng nghề này hơn đứt công việc nhân viên văn phòng ngồi 8 tiếng mà lương tháng chỉ 3-4 triệu đồng.
Đồng cảnh với Thu, cử nhân ngành Sư phạm Phan Văn Dũng (sinh năm 1989, quê Hà Tĩnh) ghi trong đơn tìm việc tại Trung tâm GTVL Thanh niên Hà Nội về nguyện vọng làm bảo vệ, giao hàng hoặc văn phòng với mức lương tháng khởi điểm 4 triệu đồng. Tốt nghiệp ngành Ngữ văn năm 2012, Dũng không có cơ may tìm được công việc giáo viên như nhiều bạn cũng khóa. “Ở đâu cũng bảo đủ người. Nếu có thì làm hợp đồng ngắn hạn mà tương lai cũng bấp bệnh quá. Em đành chọn tìm việc trái ngành ở một doanh nghiệp sản xuất tôn lợp” - Dũng cho biết.
Công việc kinh doanh đem lại cho Dũng thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng nhưng cậu chẳng gắn bó được bao lâu. Áp lực công việc, môi trường làm việc va chạm khiến Dũng phải xin nghỉ. Nay với nguyện vọng tìm việc có tính giản đơn hơn, Dũng bộc bạch: “Với tấm bằng này, tôi phải vào các tỉnh phía Nam thì cơ may tìm được việc đúng chuyên ngành. Còn ở quê Hà Tĩnh thì cơ hội có chỉ tiêu nhận làm việc dài hạn khó lắm”.
Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Cao đẳng ngành Điện năm 2010, Đặng Xuân Quang (sinh năm 1990, quê ở Quốc Oai, Hà Nội) làm công việc bảo trì ở một công ty dịch vụ phòng cháy chữa cháy ở Hà Nội được gần 1 năm. Quang tâm sự: “Công ty kinh doanh khó khăn, nhân sự cắt giảm nhiều. Tôi đi tìm việc ở một vài công ty khác nhưng khó quá. Nơi thì yêu cầu tôi phải sử dụng thành thạo máy CMC kỹ thuật mới trong khi tôi chưa hề biết. Chỗ khác thì chỉ trả lương 2-3 triệu đồng nhưng công việc quá giản đơn, buổi sáng khuân máy ra trước cửa hàng, tới chiều lại bê máy vào”.
Nghe lời bạn bè, Quang chấp nhận làm công việc bảo vệ cho một công ty dịch vụ bảo vệ tại Hà Nội với mức lương 4 triệu đồng. Chàng cử nhân ngành Điện tâm sự: “Nghề bảo vệ mất nhiều thời gian, ca kíp và nhiều chuyện phức tạp quá. Có lẽ tôi phải xin nghỉ tìm công việc mới”.
Tại sao cử nhân chấp nhận làm trái ngành?
Trong khi chờ đợi những cơ hội việc làm đứng với nguyện vọng của mình, Thu, Dũng và không ít cử nhân khác đang chấp nhận làm trái ngành nghề. Đứng từ góc độ “cầu nối” giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, các chuyên gia về tư vấn việc làm đã cùng phân tích sâu hơn về vấn đề này.
Một số ít bạn trẻ năng động đã tự đi làm thêm từ những năm thứ 2, 3 thì khi ra trường họ bắt nhịp khá nhanh với công việc. Và đa số những bạn trẻ này đều có tâm lý chủ động và sáng suốt khi chọn cho mình công việc phù hợp.