Xét tuyển đại học: 29 điểm vẫn trượt ngành đăng ký, thí sinh “khóc ròng”

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Mức điểm chuẩn vào đại học năm 2020 đã gây “choáng” với nhiều thí sinh vì đạt 29,9 điểm khối C vẫn trượt ngành đăng ký hoặc 29,04 điểm khối A vẫn trượt ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Xét tuyển đại học: 29 điểm vẫn trượt ngành đăng ký, thí sinh “khóc ròng” - 1

Điểm chuẩn đại học cao tập trung vào một số ngành hot là Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Đông Phương học, Báo chí, Y đa khoa...

"Choáng" vì điểm chuẩn cao ở nhiều ngành

Tối ngày 4/10, hàng loạt trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển. Những trường đại học top trên điểm cao ngất ngưởng khiến nhiều thí sinh và phụ huynh choáng.

Cụ thể, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn các mã ngành đều tăng vọt, nhiều ngành điểm ở mức 28 – 29 điểm (tính theo thang điểm 30). Mã ngành cao nhất là 29,04 điểm, Khoa học máy tính.

Những ngành có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên, theo phương thức dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT gồm: kỹ thuật máy tính 28,65 (25,63); khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến 28,65 (25,28); Công nghệ thông tin, Global ICT 28,38 (25,14); tự động hóa 28,16 (24,41).

Trường ĐH Bách khoa- ĐHQG TPHCM, mức điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm ngành Khoa học Máy tính.

Mức điểm chuẩn trường ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM, một số ngành điểm chuẩn trên 27 điểm gồm: khoa học máy tính 27,2 điểm; khoa học máy tính (hướng trí tuệ nhân tạo) 27,1 điểm; kỹ thuật phần mềm 27,7 điểm.

Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành Công nghệ Thông tin là 28,1 điểm. Với ngành Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật Robot, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin... điểm chuẩn từ 27 -  27,25 điểm.

Điểm chuẩn ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Toán 28 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương, chuyên ngành kinh tế đối ngoại, dù đây là chuyên ngành có chỉ tiêu cao nhất (1170 chỉ tiêu cho tất cả các phương thức) trong toàn trường nhưng mức điểm chuẩn cũng lên tới 28,6 điểm tổ hợp A00 tại trụ sở chính Hà Nội và 28,3 điểm tổ hợp A00 tại cơ sở 2 ở TP.HCM, chênh lệch các tổ hợp khác so với A00 là thấp hơn 0,5 điểm.

Trường ĐH Y Hà Nội, mức điểm vào các ngành từ 22,4 đến 28,9 điểm.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngành cao nhất vào trường là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với mức 28,0 điểm.

Đặc biệt, mức điểm chuẩn vào nhiều ngành của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐH Quốc gia Hà Nội khối C năm nay cao kỷ lục, cụ thể: Ngành Hàn Quốc học lên tới 30 điểm; ngành Đông Phương học là 29,75 điểm; ngành Quốc tế học 28,75 điểm; ngành báo chí là 28,5 điểm; ngành Khoa học Quản lý 28,5 điểm...

Được biết, ngành Hàn Quốc học là ngành mới tuyển sinh năm nay  của nhà trường, trao đổi với báo chí, lãnh đạo trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, ngành Hàn Quốc học năm nay có 50 chỉ tiêu, trong đó đã có 30 thí sinh tuyển thẳng vào trường. Do vậy, mức điểm chuẩn vào trường mới tăng cao như thế.

Vì sao điểm chuẩn lại tăng cao?

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên điểm chuẩn vào các trường cao. Điểm chuẩn cao còn có thêm lý do là chỉ tiêu dành cho xét theo kết quả thi giảm do các trường tăng chỉ tiêu xét theo phương thức khác nữa.

Ông Triệu cho rằng, các trường  cơ bản thuận lợi trong việc xét tuyển do hệ thống đăng ký nguyện vọng và xét tuyển đã hoàn thiện và không có thay đổi gì.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng  trường ĐH Giao Thông vận tải phân tích, xuất phát điểm năm nay là điểm thi THPT tăng cao; phổ điểm thi tốt nghiệp cao hơn của các tổ hợp xét tuyển nên điểm chuẩn của một số trường cao ở ngưỡng 29 điểm và hầu hết điểm chuẩn các trường đều cao hơn năm trước.

Ông Chương cho hay, bên cạnh đó, các trường trong giai đoạn 1 đã xét học bạ và một số phương thức khác nên chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả thi THPT giảm làm điểm chuẩn tăng. Đối với các trường thuận lợi là nguồn xét tuyển nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc thí sinh điểm cao năm nay vẫn trượt nguyện vọng 1, theo ông Chương  là sự định hình của thí sinh tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực nào đó như Công nghệ thông tin, Tự động hoá hoặc một số ngành, nên một số trường mất cân đối.

Ông Đào Văn Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, điểm chuẩn năm nay của các trường đại học cao đúng như dự đoán. Tuy nhiên, đã khiến nhiều thí sinh bất ngờ vì điểm lại quá cao như vậy. Trường mừng vì xét được thí sinh giỏi nhưng cũng sẽ gặp “ảo” nhiều. Dự báo, xét tuyển đợt bổ sung sẽ sôi động hơn vì nhiều trường sẽ xét được thí sinh có mức điểm cao, chất lượng. 

Theo ông Tùng, với điểm chuẩn năm nay, sẽ gây khó khăn cho các mùa tuyển sinh năm sau vì phụ huynh và thí sinh dựa vào điểm chuẩn năm nay để đăng ký sẽ rất sốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm