Xét công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo lần thứ 12 và lấy ý kiến của các bộ, ngành, các trường ĐH, học viện về quy định công nhận văn bằng của người Việt Nam do nước ngoài cấp.

Việt Nam sẽ công nhận sự tương đương các loại bằng cấp, chứng chỉ (gọi chung là văn bằng) nếu có sự tương đương về nội dung đào tạo.

 

Theo đó, phải thỏa mãn một trong các điều kiện như: Được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; được tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng; được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định Về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng mà Việt Nam là thành viên; được cấp bởi các cơ sở giáo dục ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận.

 

Việc thực hiện sự công nhận sự tương đương về văn bằng được phân cấp cho các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục Việt Nam. Cụ thể, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo xét công nhận văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

 

Giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học xét công nhận văn bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ thuộc các chuyên ngành phù hợp với chức năng đào tạo được giao.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xét công nhận văn bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ hoặc các trường hợp cá biệt, khi người sở hữu văn bằng có nguyện vọng và gửi hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT tạo xem xét công nhận.  

Minh Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm