Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học:
Xếp hạng đại học: Tự nguyện hay ép buộc?
(Dân trí) - Xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học cần làm rõ xếp hạng là tự nguyện hay bắt buộc, có phải có theo tiêu chí cụ thể, thống nhất trên toàn quốc nào hay không?
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học về xếp hạng đại học, quy định theo hướng: sửa đổi tên và nội dung Điều 9 Luật GDĐH hiện hành thành “xếp hạng cơ sở GDĐH”, hoàn chỉnh quy định về xếp hạng để tạo động lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng GDĐH. Dự thảo Luật cũng quy định cho phép các pháp nhân độc lập thực hiện xếp hạng theo xu hướng quốc tế, không quy định cơ quan nhà nước thực hiện xếp hạng như Luật GDĐH hiện hành.
Cân nhắc việc thành lập các tổ chức xếp hạng
Đánh giá về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bà Đoàn Thị Thanh Mai đánh giá: Lần đầu tiên Việt Nam có hai trường đại học lọt vào top danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục QS Anh Quốc là một minh chứng cho chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, với xếp hạng đại học, bà Mai cho rằng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học không nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư. Do vậy, cần cân nhắc nếu việc thành lập các tổ chức xếp hạng lại giao cho các cơ quan nhà nước quy định điều kiện thì có đảm bảo tính khách quan, độc lập của các tổ chức xếp hạng và kết quả xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học này hay không.
Theo bà Mai, hiện nay trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tổ chức có những tiêu chí riêng của mình, ví dụ bảng xếp hạng đại học thế giới QS là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục QS Anh Quốc.
Dựa trên 4 tiêu chí đánh giá các trường đại học bao gồm: Nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế.
Do đó, bà Mai đề nghị dự thảo cần quy định rõ là xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học cần làm rõ xếp hạng này là tự nguyện hay bắt buộc, có phải theo tiêu chí cụ thể, thống nhất trên toàn quốc nào hay không?
Ủy viên thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ông Phùng Đức Tiến chia sẻ, hiện nay thứ hạng xếp hạng của các trường đại học Việt Nam so với khu vực và thế giới còn ở mức thấp.
Ông Tiến cho rằng, muốn tham gia những bảng xếp hạng này phải có thời gian chuẩn bị và thực tế không phải bảng xếp hạng nào cũng thực chất. Mặt khác chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới, với chất lượng như vậy thì rất nhiều trường biết mình có tham gia xếp hạng cũng không được nên không hào hứng với việc xếp hạng. Do đó, cần cân nhắc.
Nên xếp hạng đại học theo chuyên ngành
Ông Hồ Thanh Bình, trường ĐH An Giang bày tỏ, việc xếp hạng đối với cơ sở giáo dục đại học góp phần phát triển lành mạnh các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong xu thế kinh thế thị trường như hiện nay và trong xu thế tự chủ đại học.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có thông tin chính thống về xếp loại, phân hạng giữa các cơ sở giáo dục đại học mặc dù việc này có quy định trong Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Ông Bình cho hay, thí sinh chọn trường chủ yếu dựa vào truyền thông, các hoạt động tư vấn tuyển sinh, thông tin bạn bè, truyền thống về uy tín của các cơ sở giáo dục đại học hay dựa vào các xếp hạng trên thế giới.
Chính vì vậy, ông Bình kiến nghị, Nhà nước cần chủ động khuyến khích việc hình thành các hoạt động về xếp hạng, phân loại các cơ sở giáo dục đại học như luật đã quy định. “Cần xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam theo chuyên ngành, đây là xếp hạng rất thiết thực cho người học để có thông tin chọn ngành trong tình hình có nhiều trường với nhiều chủng loại ngành nghề khác nhau”.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, Chính phủ không nên tham gia trực tiếp hoạt động xếp hạng, hoạt động này nếu do Chính phủ điều hành thì bị hạn chế, mất tính khách quan và hiệu quả xếp hạng không cao.
“Chúng ta nên xây dựng một hệ thống chuẩn đối chiếu so sánh giúp đánh giá các trường đại học. Trong khi đó điều luật cần quy định rõ việc kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học, đây là vấn đề cần thiết phải bổ sung trong Luật Giáo dục đại học mà tôi thấy chưa có” – PGS.TS Hiếu nhấn mạnh.
Hồng Hạnh