Kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam 2/10:
Xây dựng xã hội học tập là con đường duy nhất đến với cách mạng 4.0
(Dân trí) - “Xây dựng Công dân học tập, Đơn vị học tập và Xã hội học tập ở Việt Nam là con đường duy nhất đến với cách mạng 4.0” - GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã khẳng định như vậy.
Những cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam trong cuộc Cách mạng số (4.0)
Loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Từ năm 2000 cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra dựa trên nền tảng kỹ thuật số: Mọi người trên toàn cầu kết nối, vạn vật kết nối... con người, máy móc và sản phẩm tự kết nối, giao tiếp với nhau thông qua mạng Internet, trí tuệ nhân tạo...
Điều đó sẽ làm thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống một cách nhanh chóng, thậm chí thay đổi ngay chính bản thân chúng ta. Robot có trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế công việc con người, giúp chúng ta giải phóng khỏi những công việc nặng nhọc hàng ngày. Nhưng chúng ta sẽ làm gì để sống khi bị mất việc làm và bản thân mỗi người lại không chịu suy nghĩ để thay đổi chính mình cho thích ứng với tình hình đó.
Máy móc đang cạnh tranh công việc với con người một cách khốc liệt tạo ra sự bất bình đẳng và phá vỡ thị trường lao động. Báo cáo của tổ chức lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra: hơn 2/3 trong số 12 triệu lao động ngành dệt may và da giầy tại Đông Nam Á (lao động giản đơn) đang bị đe dọa vì sự ứng dụng khoa học công nghệ phát triển rất nhanh. Sau 20 năm nữa 86% lao động của Việt Nam trong ngành này sẽ thất nghiệp.
Cũng theo báo cáo này 1/3 công việc của người tốt nghiệp Đại học trên toàn thế giới sẽ được thay bằng máy móc hoặc phần mềm. Mức chi phí cho một Robot rẻ hơn rất nhiều chi phí cho một công nhân (tiền lương, tiền khám bệnh, thai sản, chi phí học hành...). Khi đó những người lao động cơ bắp, không có trình độ đáp ứng sẽ bị thất nghiệp và những người có năng lực, trình độ cao, nhiều sáng kiến sáng tạo sẽ có việc làm tốt, thu nhập cao và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội sẽ bị doãng ra ngày càng xa.
Thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế chính trị, xã hội, an ninh quốc gia. Bất ổn về kinh tế sẽ dẫn đến bất ổn đời sống, bất ổn về chính trị, khi đó nguy cơ bất ổn ở mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể trong cách mạng 4.0.
Cạnh tranh giữa các nước trong lĩnh vực áp dụng khoa học - công nghệ đang diễn ra gay gắt để giành giật sức mạnh và thể hiện quyền lực ngày càng gia tăng.
Cuộc cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ đến từng con người, khi mà những thành quả 4.0 không thuộc sở hữu của riêng ai với những đặc điểm vùng miền, tâm lý, sinh lý đặc thù chi phối như hiện nay. Phương pháp trao đổi thông tin qua kết nối mạng sẽ đặt con người vào nhiều mối nguy hiểm. Do vậy chúng ta dù không muốn nhưng bắt buộc phải trở thành công dân toàn cầu. Nếu không máy móc, công nghệ, Robot...sẽ đưa chúng ta ra khỏi hệ thống. Tất yếu khách quan là như vậy. Lịch sử đã chứng minh: Con người sẽ kiểm soát được vũ trụ, được tất cả những gì đang và sẽ xẩy ra. Cuộc cách mạng 4.0 cũng là do tài trí con người tạo ra, nó mới đang ở giai đoạn đầu, song hết sức lợi hại.
Chúng ta cần nắm lấy cơ hội, nắm lấy những thành quả 4.0 mang lại, để bắt nó phục vụ những mục tiêu mà cách mạng Việt Nam đang đặt ra trên tất cả các lĩnh vực.
Nhưng làm cách nào để đạt được điều đó, vấn đề qủa là không dễ dàng với một đất nước còn nghèo và lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới như Việt Nam.
Chúng ta đang ở đâu trong cuộc Cách mạng 4.0?
Chúng ta đã có nhiều thành công trong việc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, được thế giới đánh giá cao. Hiện chúng ta đã hội nhập quốc tế sâu, rộng, đã hòa vào sân chơi chung của các quốc gia thông qua việc ký kết WTO và các FTA.
Nhờ đó tăng trưởng kinh tế được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn...dần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là sự phát triển đó vẫn thiếu bền vững bởi:
Chất lượng nguồn lực của chúng ta nhìn chung còn thấp:
Một thời gian dài chúng ta phát triển dựa vào ưu thế nguồn nhân lực trẻ, chủ yếu là gia công, lắp ráp nên không đòi hỏi tri thức cao, trình độ cao, hàm lượng chất xám trong một đơn vị sản phẩm không nhiều, chẳng cần học nhiều thì người lao động vẫn làm tốt công việc của mình. Hiện nay cơ cấu lao động của chúng ta còn rất lạc hậu và bất hợp lý, cụ thể:
-Lao động Nông nghiệp nhìn chung chất lượng kém, lại dư thừa nhiều;
-Lao động chủ yếu là giản đơn;
-Lao động có trình độ Đại học, Cao đẳng bị thất nghiệp nhiều;
-Trình độ một phần không nhỏ đội ngũ lao động trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, kể cả trình độ lãnh đạo trong toàn hệ thống so với các nước còn một khoảng cách.
Đó là thách thức lớn nhất đối với chúng ta khi bước vào cuộc cách mạng số. Với trình độ về tin học, ngoại ngữ và kỹ năng làm việc cùng với cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin còn yếu như hiện nay làm cho chúng ta rất khó khăn để thành công trong hội nhập.
Kinh tế tri thức ở Việt Nam chưa phát triển đủ sức để tiếp cận hiệu quả cuộc cách mạng 4.0:
Hiện nay các nước tiên tiến phát triển đất nước dựa vào vốn tri thức. Phần lớn các hoạt động kinh tế dựa trên sự hiểu biết và thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ Nano... Mọi hoạt động trong các ngành kinh tế đều dựa nhiều hơn vào việc dùng tri thức trong môi trường toàn cầu hóa.
Còn các nước lạc hậu thì phát triển dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản và sức lao động cơ bắp, và Việt Nam chúng ta cũng có một thời gian dài như vậy.
Nguồn nhân lực chất lượng thấp kết hợp với cách thức phát triển đất nước như vậy đã tạo ra sức ỳ ghê gớm cho nền kinh tế. Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang ở nhóm thấp nhất và đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế.
Hiện tại có hai công cụ quan trọng nhất là bộ óc con người và mạng thông tin toàn cầu, ai cũng có nhưng cơ hội sử dụng không giống nhau. Thành công hay thất bại là tùy thuộc vào ứng xử của từng người, từng quốc gia đối với hai công cụ đó.
Các nước đã giàu, càng giàu vì họ đã chú trọng đặc biệt vào khai thác tài nguyên vô hình và loại tài nguyên này (trí tuệ) càng khai thác càng tăng nhanh hơn, còn tài nguyên hữu hình (tài nguyên, khoáng sản...) càng khai thác càng cạn kiệt có nghĩa là trí tuệ con người càng khai càng sáng, năng lực sáng tạo càng phát triển.
Đây là loại tài sản vô giá, vô tận không phải chỉ của một con người mà còn là tài sản của quốc gia bởi: “Tri thức là sức mạnh”, “Tri thức là nền tảng của hạnh phúc”. Tri thức có được nhờ sự tích lũy kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau do học tập, rèn luyện và suy nghĩ mà có, nó giúp chúng ta tự tin trong công việc và cuộc sống, nhất là cuộc sống hội nhập.
Hiện tại phát triển kinh tế của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đã có nhiều chính sách khuyến khích và tạo động lực cho việc sử dụng tri thức, phát triển năng lực tư duy và khả năng sáng tạo nhằm bắt kịp với môi trường quốc tế trong cuộc cách mạng 4.0.
Những năm gần đây chính phủ đã chú trọng phát triển việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm sạch, đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Song chúng ta vẫn phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp chế biến và gia công, đòi hỏi hàm lượng chất xám ít.
Nếu không thay đổi nhanh hơn nữa cách làm này thì chúng ta luôn làm những việc mà người ta không làm nữa khi họ chuyển qua làm những việc có lợi nhuận cao hơn do họ có nhiều hiểu biết hơn. Sự tụt hậu sâu hơn của nước ta là tất yếu.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa các Quốc gia như vậy? phải chăng đó là sự khác biệt về tri thức, về sự hiểu biết và việc khai thác vốn tri thức. Thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là thách thức vượt qua sự khác biệt này.
Hệ thống giáo dục – đào tạo của Việt Nam tuy đã có nhiều đổi mới, đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng nhìn chung nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Chúng ta vẫn chưa có một nền giáo dục có chất lượng cao để người học được giáo dục và đào tạo năng lực sáng tạo, chia sẻ và sử dụng tri thức. Giáo dục – đào tạo là chuyện sống còn của đất nước, góp phần chấn hưng đất nước.
Giáo dục – đào tạo không giúp đất nước đào tạo ra những người có tinh thần và khả năng sáng tạo, sẽ không thể tiến tới kinh tế tri thức. Như vậy đất nước sẽ bị bỏ lại phía sau một cách nhanh nhất trong khi kinh tế tri thức là con đường ta cần phải đi và đi càng sớm càng tốt, nhưng rất gian truân.
Để làm được điều này hệ thống thiết chế giáo dục phải được hoàn thiện cho mọi cấp học, ngành học, bậc học, kể cả giáo dục chính quy, không chính quy, phi chính quy..., ở cả gia đình và xã hội, cho cả trẻ em và người lớn để mọi người trở thành những công dân có đầy đủ năng lực, phẩm chất, sáng tạo, đủ sức hội nhập trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp số đang diễn ra nhanh như vũ bão hiện nay.
Nhìn lại bối cảnh giáo dục chính quy, không chính quy, phi chính quy của chúng ta hiện nay thấy còn quá nhiều bất cập ở tất cả các cấp học, phương thức học..., và chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Bên cạnh đó điều quan trọng là bộ phận lớn trong chúng ta (nhất là người lớn) chưa có ý thức sẵn sàng để chuẩn bị hành trang, các kiến thức cần thiết để thích ứng với những cơ hội và thách thức do 4.0 mang lại.
Chúng ta dù không muốn nhưng bắt buộc phải trở thành công dân toàn cầu. Nếu không máy móc, công nghệ, Robot...sẽ đưa chúng ta ra khỏi hệ thống
Vậy chúng ta phải làm gì?
Có thể khẳng định: Cách mạng số (4.0) mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, để thích ứng phải phát triển kinh tế tri thức, nâng cao hiểu biết và kỹ năng toàn diện của đội ngũ lao động và toàn dân. Chỉ như vậy thì người lao động mới trở thành lao động tri thức, chúng ta mới có xã hội lao động tri thức, lúc đó sự khác biệt giữa chúng ta và các nước tiên tiến sẽ thu hẹp lại, và chúng ta cũng sẽ phát triển đất nước bằng vốn tri thức như họ.
Để làm giàu vốn tri thức chỉ có con đường học tập. Học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi hình thức: chính quy, không chính quy và phi chính quy. Người người học tập là cơ sở để xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập, xã hội tri thức.
Đây là chủ trương lớn đã được chỉ ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt Chỉ thị 11 ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị đã tiếp nối, phát triển tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Song tiếc rằng không phải tổ chức nào, người lao động nào cũng thấm nhuần và thực hiện. Chính vì vậy mà việc Học của xã hội nói chung chưa đạt yêu cầu như mong muốn, dẫn đến hệ lụy như đã nêu ở trên.
Hội Khuyến học Việt Nam được giao nhiệm vụ nòng cốt trong việc phối, kết hợp với các tổ chức để thực hiện Chỉ thị 11 này của Bộ Chính trị, đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao trong Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến 2020”.
Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập. Những mô hình học tập này đã được Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng tiêu chí đánh giá, được chính phủ công nhận và ra quyết định triển khai trên toàn quốc.
Quá trình triển khai mô hình đã gặt hái được nhiều kết quả đáng trân trọng. Song mô hình cộng đồng học tập mới dừng lại ở cấp xã mà yêu cầu việc xây dựng xã hội học tập bao hàm cả xã, huyện, tỉnh hoặc thành phố.
Hiện nay đang có sự nhầm lẫn trong việc đề nghị công nhận “Huyện học tập” là : Nếu 100% số xã trong Huyện đạt cộng đồng học tập thì đương nhiên Huyện đó là Huyện học tập.
Nếu như vậy, chúng ta sẽ bỏ ra ngoài toàn bộ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, các cơ quan thuộc ban, ngành trực thuộc Huyện mà tại đây tập hợp một lực lượng lao động lớn quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của Huyện.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều tỉnh đã ban hành các quyết định và tiêu chí về xây dựng “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, ban, ngành, của Huyện, Tỉnh mình.
Việc làm thiết thực này phần nào đã tác động đến việc học tập nâng cao trình độ của đội ngũ. Tuy chưa đáp ứng yều cầu về năng lực và trình độ đội ngũ để tiếp thu những thành tựu của 4.0 nhưng đã tạo nên một không khí học tập tốt trong đội ngũ người lao động. Vấn đề là chúng ta cần thống nhất việc xây dựng “Đơn vị học tập” cả về quan điểm, cách làm và phương thức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị vì có đơn vị học tập, công dân học tập mới có xã hội học tập.
Để trở thành xã hội tri thức với lực lượng lao động tri thức đòi hỏi rất nhiều giải pháp mang tính chiến lược và toàn diện, đặc biệt đối với hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Đối với Hội Khuyến học Việt Nam, chúng ta đã và đang làm hết sức mình để cùng với Bộ giáo dục – đào tạo và các tổ chức thực hiện chiến lược giáo dục – đào tạo của Đảng, Nhà nước.
Chúng ta phải đổi mới từ tư duy đến tầm nhìn của Lãnh đạo về đào tạo nhân lực, về cấu trúc hệ thống giáo dục để đào tạo được nguồn nhân lực số đầy năng động, sáng tạo; đổi mới, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đến sử dụng hiệu quả nguồn tri thức hiện có cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy chúng ta đã chậm song vẫn chưa phải là muộn, đi sau cũng có nhiều lợi thế. Miễn là chúng ta quyết tâm. Với nhân dân Việt Nam, không gì là không thể.
GS.TS Nguyễn Thị Doan