ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo thí điểm 6 ngành theo mô hình giáo dục 4.0

(Dân trí) - Năm 2018, 5 trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM triển khai thí điểm 6 ngành đào tạo trình độ ĐH theo mô hình giáo dục 4.0. Thông tin này được Ban điều hành Đề án giáo dục 4.0 ĐHQG TPHCM công bố tại tọa đàm “Triển khai mô hình giáo dục 4.0 tại ĐHQG T.HCM” diễn ra mới đây.

Tại tọa đàm, Ban điều hành Đề án giáo dục 4.0 của ĐHQG TPHCM cho biết, dựa trên kết quả triển khai áp dụng theo mô hình CDIO (đề xướng quốc tế nhằm đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật có năng lực hình thành ý tưởng - Conceive, thiết kế - Design, triển khai - Implement, vận hành - Operate), ĐH này sẽ xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo theo mô hình giáo dục 4.0, triển khai thí điểm và sau đó nhân rộng cho một số ngành khác.

Sinh viên đang theo học tại một trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM
Sinh viên đang theo học tại một trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2018-2022 số lượng ngành triển khai theo giáo dục 4.0 là 6. Trong đó, trường ĐH Bách khoa đào tạo 2 ngành và các trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Công nghệ thông tin mỗi trường đào tạo 1 ngành.

Tiêu chí để lựa chọn các ngành triển khai mô hình này chính là dựa vào các ngành mang tính liên ngành, ngành gần hoặc ngành mới mở để có thể triển khai hiệu quả và thuận lợi vì có thể tận dụng lợi thế như dùng chung không gian học tập, hệ thống các công cụ, phần mềm hỗ trợ dạy - học, hệ thống học liệu mở…

“Theo kế hoạch đến năm 2022, ĐHQG TPHCM sẽ có 5 trường, 30 ngành đào tạo được cập nhật và điều chỉnh để có thể giảng dạy theo mô hình giáo dục 4.0. Các trường sẽ có sinh viên tốt nghiệp (khóa 2018) đạt chuẩn đầu ra theo giáo dục 4.0, có cơ hội việc làm cao hơn các khóa trước đây”, đại diện Ban điều hành Đề án cho biết.

Với mô hình giáo dục 4.0, chương trình đào tạo sẽ được đổi mới, được thiết kế tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức và phát triển phẩm chất cá nhân của sinh viên cũng như được đánh giá định kỳ. Chuẩn đầu ra được xây dựng toàn diện, cụ thể, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành được sắp xếp hợp lý hóa. Hệ thống bài giảng điện tử; đội ngũ giảng viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm.

ĐHQG TPHCM sẽ hỗ trợ các trường thành viên đầu tư 4 không gian học tập, tập trung cho các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Công nghệ thông tin. Thư viện linh kiện/phòng thí nghiệm ảo sẽ được xây dựng và đầu tư hằng năm, hệ thống hỗ trợ giảng dạy E-learning trên quy mô liên trường được phát triển, cùng với hệ thống tài liệu học tập số sẽ góp phần hỗ trợ phục vụ công tác dạy - học.

Theo ĐH Quốc gia TPHCM, với mô hình này, người học được học tập và trải nghiệm trong môi trường học tập thực tế. Chính nhờ vậy, sinh viên sẽ càng trở nên năng động, sáng tạo và độc lập; có khả năng và cơ hội để phát hiện các sáng kiến trong học tập cũng như chủ động trong thực hành nghề nghiệp sau này.

Giảng viên sẽ được tham gia các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy theo công nghệ số có sự hỗ trợ của phần mềm và các công cụ hỗ trợ. Đồng thời, được bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, cung cấp trải nghiệm học tích hợp kỹ năng với kiến thức… Giảng viên còn được giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại các trường danh tiếng trên thế giới đang cùng vận dụng mô hình này. Cả nhà tuyển dụng cũng được thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong việc cùng cơ sở đào tạo đưa ra các môn học tích hợp, chuẩn đầu ra; được sử dụng nguồn nhân lực chất lượng…

Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên phó giám đốc ĐHQG TPHCM, với mô hình giáo dục 4.0, các trường cần bám đúng chuẩn đầu ra để làm tốt. Chuẩn đầu ra này sẽ khác, sẽ được bổ sung thêm.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm