Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa phổ thông

(Dân trí) - Sáng 6/11, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý Dự thảo nội dung bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo dự thảo 1 thì việc đánh giá sẽ được thực hiện qua 18 tiêu chí chia thành 5 nhóm. 4 tiêu chí của nhóm 1 sẽ là điều kiện tiên quyết.

Chủ trì hội thảo là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng bộ phận thường trực chương trình, sách giáo khoa (SGK). Đơn vị được mời tham gia đóng góp ý kiến là các trường ĐH sư phạm phía Bắc, các Sở GD-ĐT, Viện Khoa học giáo dục, các chuyên gia, các nhà khoa học…


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải đáp các vấn đề liên quan đến dự thảo bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải đáp các vấn đề liên quan đến dự thảo bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa phổ thông.

 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì việc ban hành bộ tiêu chí là cần thiết bởi đây sẽ là căn cứ để các chuyên gia, hội đồng quốc gia thẩm định SGK phổ thông; làm căn cứ để các tác giả, nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách phù hợp với chương trình môn học; Hỗ trợ người dạy, người học và các bậc phụ huynh lựa chọn sử dụng sách trong quá trình dạy và học.

Tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ phận thường trực chương trình, sách giáo khoa mới cho biết: Việc xây dựng dự thảo 1 bộ tiêu chí đã dựa trên các ý kiến đóng góp ở Hội thảo Đà Nẵng và TPHCM. Đây có thể nói là bản tương đối hoàn chỉnh trước khi công bố để xin ý kiến đóng góp chính thức.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, hệ thống tiêu chí đánh giá SGK mới của Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc: khoa học, rõ ràng, đầy đủ, dễ vận dụng; Xác định theo hai cấp độ: Điều kiện tiên quyết và tiêu chí đánh giá SGK môn học với 3 mức yêu cầu, tiêu chí, cảnh báo; Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam…

Bộ tiêu chí gồm Nhóm I - Điều kiện tiên quyết; Nhóm II - Yêu cầu về Tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông quốc gia; Nhóm III- Yêu cầu về nội dung; Nhóm IV - Yêu cầu về phương pháp và kiểm tra - đánh giá; Nhóm V - Yêu cầu về hình thức và trình bày SGK.

Khi sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá sách, phải kèm theo chương trình môn học và đảm bảo đồng thời hai nguyên tắc: Sách được đánh giá “đạt” ở tất các các tiêu chí của nhóm I thì mới được tiếp tục xem xét đánh giá ở các nhóm tiếp theo; Các chỉ báo thuộc các tiêu chí các Nhóm II, III, IV, V được đánh giá theo các mức điểm (dự kiến): 0 điểm – Không đạt; 1 điểm – Đạt; 2 điểm – Tốt.

Điều kiện tiên quyết của nhóm I gồm: Tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện hành và các quy định khác có liên quan; Không trái với truyền thống văn hóa, lịch sử, địa lý, đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; Không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, an ninh chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền quốc gia; Không có những định kiến xã hội về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị xã hội, lứa tuổi.


Đông đảo đội ngũ nhà giáo, các chuyên gia viết sách, các nhà sư phạm đến tham dự hội thảo đóng góp ý kiến

Đông đảo đội ngũ nhà giáo, các chuyên gia viết sách, các nhà sư phạm đến tham dự hội thảo đóng góp ý kiến

Từ Dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra, Hội thảo đã tập trung thảo luận về cơ sở để biên soạn Bộ tiêu chí đánh giá SGK mới đã phù hợp hay chưa? Cách xác định, tên gọi các yêu cầu và tiêu chí đã phù hợp chưa? Số lượng và nội dung cụ thể của các yêu cầu, tiêu chí và chỉ báo...

Phần lớn các ý kiến tại Hội thảo đều đồng tình với bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT đưa ra và chỉ yêu cầu điều chỉnh một số câu chữ cũng như cách thức diễn đạt sao cho gọn để dễ nhớ, dễ áp dụng. Một số ý kiến cũng đề nghị Bộ xem xét đến việc hình thành SGK điện tử…

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện bộ tiêu chí và công bố để xin ý kiến dư luận.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết thêm, SGK điện tử cũng phải tuân thủ theo bộ tiêu chí, ngoài ra sẽ có thêm quy định khác như yêu cầu tính tương tác.

Bên cạnh đó, đối với tính mở của SGK thì không có giới hạn miễn là không sai. Tuy nhiên, sách thì không thể thiếu nội dung cơ bản mà chương trình đã quy định.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )