Kiên Giang:
Xã đảo Thổ Châu dùng giáo viên cấp 2… dạy học sinh cấp 3
(Dân trí) - Trước nhu cầu học lên cấp 3 của nhiều người dân trên xã đảo Thổ Châu, Trung tâm GDTX huyện Phú Quốc mở cấp học này. Nhưng đến khâu “tuyển” giáo viên, Trung tâm tìm chẳng ra giáo viên đúng chuẩn đành sử dụng giáo viên trường tiểu học, THCS Thổ Châu đứng lớp.
Xã Thổ Châu thuộc huyện Phú Quốc là xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 240 km và cách huyện đảo Phú Quốc 120km. Do khoảng cách địa lý xa đất liền, nên 5 ngày mới có một chuyến tàu ra Thổ Châu. Cũng do khoảng cách địa lí, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên hàng chục năm qua, nhiều học sinh lớp 9 trường THCS Thổ Châu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc) đành ngậm ngùi bỏ học. Nguyên do trên địa bàn xã chưa có trường cấp 3, học sinh học xong lớp 9 muốn học lên bậc THPT phải vào huyện Phú Quốc hoặc TP Rạch Giá, do vậy đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đành rác lại chuyện học hành.
Ông Đỗ Văn Dừng – Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết: “Đứng trước thực tế khó khăn của xã về chuyện học hành và nhu cầu của nhiều thanh thiếu niên, nhân viên (hợp đồng) ở xã có nhu cầu học cấp 3 nên trước năm học 2015 – 2016, UBND xã đề nghị với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Phú Quốc mở đào tạo cấp học này. Nhờ đó, lớp 10 đầu tiên của xã được khai giảng vào đầu năm học vừa rồi với 22 học sinh”.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, học sinh ở lớp học “đặc biệt” này đủ mọi thành phần, như: công nhân, cán bộ xã, một số học sinh vừa học xong lớp 9 năm học 2014 -2015… Trong đó, học sinh trẻ tuổi nhất 16 tuổi và học sinh cao nhất là 42 tuổi. Ban ngày các học sinh này đi làm đủ mọi việc để mưu sinh: như đi cầu, bóc vác, xẻ mực, phơi khô… nên ban đêm các học sinh mới có thời gian đi học.
Thầy Phạm Văn Tiệp – Hiệu trưởng trường THCS Thổ Châu cho biết: Khi Trung tâm GDTX đồng ý mở lớp 10, đến khâu tìm giáo viên đứng lớp thì không ký được hợp đồng nào với giáo viên cấp 3 ở Phú Quốc. Nguyên nhân là do Thổ Châu quá xa, cả tuần lễ chỉ có 1 chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu nhưng chuyến tàu không rơi vào ngày thứ 7, chủ nhật. Và nếu giáo viên ra được ngày thứ 7, chủ nhật, thì học sinh không thể nào học liền một mạch đối với một môn học… Từ khó khăn này, Trung tâm “hạ chuẩn”, chỉ cần giáo viên có bằng đại học là cho dạy, tuy nhiên cũng tìm không ra. Cuối cùng, Trung tâm đành sử dụng giáo viên THCS Thổ Châu đứng lớp.
Thầy Tiệp cho biết, hiện tại có 6 giáo viên ở trường tham gia giảng dạy lớp 10 hệ bổ túc vào ban đêm. “Cả ngày đứng lớp, buổi tối tiếp tục lên lớp nữa nên cũng khá vất vả. Tuy nhiên cái khó hơn là việc các giáo viên đang dạy cấp 2, nay được “nâng cấp” lên dạy cấp 3 nên cũng có nhiều trở ngại. Do vậy, việc soạn giáo án, các giáo viên phải lên mạng, trao đổi với các giáo viên cấp 3… nghiên cứu nhiều kiến thức để soạn giáo án cho phù hợp”. Thầy Tiệp nói.
Em Nguyễn Hữu Danh – một trong 22 học sinh ở lớp học “đặc biệt” trên đảo cho biết: “Hai năm trước sau khi học xong lớp 9 em đành bỏ học đi làm vì gia đình không có điều kiện cho em vào Phú Quốc học lên THPT. Sau khi đi làm 1 năm em nghe tin ở xã mở lớp 10 hệ bổ túc nên em trở về xã xin vào xã đội làm và ban đêm đi học. Cũng nhờ lớp học này mà em cũng như 21 bạn học khác có cơ hội lấy bằng tốt nghiệp 12 và tiếp tục sẽ có cơ hội lấy thêm tấm bằng đại học trong thời gian tới”.
Nói về đề xuất mở bậc THPT hệ chính qui tại xã Thổ Châu, thầy Tiệp cho biết, nếu thành lập được thì quá tốt, các em học sinh không phải đi xa để học. Tuy nhiên, hiện tại cơ sở vật chất của trường chỉ đủ phục vụ cho hai cấp học (cấp tiểu học và THCS) nên muốn mở thêm hệ THPT thì phải đầu tư thêm trường lớp.
Ngoài ra, công tác về nhân sự, giáo viên cũng là một vấn đề, cần phải có đội ngũ đúng chuẩn. Tuy nhiên, có thêm cái khó khi số học sinh học xong lớp 9 trên đảo hiện nay chỉ từ 9 – 20 em/năm. Do vậy, việc mở bậc THPT trên đảo là có nhu cầu nhưng cần có sự đầu tư nhiều mặt của các cơ quan liên quan.
Trong năm học 2015 -2016 trường tiểu học và THCS Thổ Châu có 17 em học xong chương trình lớp 9, trong đó có 5 -7 em gia đình đã cho các em vào đất liền học lên cấp 3. Do vậy, chỉ con lại khoảng 10 em nên nhà trường sẽ báo cáo với Trung tâm giáo dục thường xuyên xem có tuyển sinh lớp 10 nữa hay không, vì nếu ít học sinh quá, Trung tâm không đủ tiền chi trả lương cho giáo viên đứng lớp. Thầy Tiệp cho biết.
Nguyễn Hành