Vượt qua sát hạch vẫn có nguy cơ trượt công chức

(Dân trí) - Mặc dù vượt qua kỳ thi sát hạch nhưng ứng viên vẫn có nguy cơ trượt công chức khi việc thẩm định phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm. Năm 2014, Hà Nội đề xuất 29 trường hợp được tuyển thẳng nhưng kết quả Bộ Nội vụ chỉ đồng ý 15 người.

Theo điều 19, Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng. Theo đó, căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức và yêu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt sau: Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 điều này cũng quy định: Trường hợp người được tuyển dụng vào công chức không thông qua thi tuyển phải có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ đối với cơ quan nhà nước hoặc Ban Tổ chức Trung ương đối với các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Điều 19, Nghị định 24/2010/NĐ-CP nhằm thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy hành chính, tuy nhiên cần phải có cơ chế chặt chẽ để kiểm soát. Năm 2014, Hà Nội có 29 trường hợp đề nghị tuyển thẳng, nhưng mới giải quyết được 15 trường hợp, 14 trường hợp còn lại Bộ Nội vụ không đồng ý với lý do không đáp ứng điều kiện, yêu cầu theo quy định. Đáng chú ý, có trường hợp người được tuyển dụng không qua thi tuyển không phù hợp với vị trí việc làm được tuyển.

“Hiện dư luận còn nhiều băn khoăn cho rằng, nếu kiểm soát không chặt chẽ thì cơ chế này lại là kẽ hở để tuyển dụng những người có mối quan hệ thân thiết vào công chức, trong khi đó nhiều người phải thông qua hình thức thi cạnh tranh rất khắc nghiệt. Vì vậy, việc này phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo những người được tuyển thẳng không qua thi tuyển phải xứng đáng về phẩm chất, trình độ, năng lực”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích về việc thẩm định kết quả đối với những được tiếp nhận thành công chức không qua thi tuyển.

Trao đổi thêm với Dân trí, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng khẳng định: Bộ Nội vụ đã có văn bản thông báo cho Hà Nội về kết quả tuyển thẳng năm 2014. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn có văn bản đề nghị xin được tiếp nhận 14 trường hợp trên nhưng Bộ Nội vụ không đồng ý.

Được biết, năm 2015, Hà Nội có 63 ứng viên đáp ứng được điều kiện tiếp nhận không qua thi tuyển nhưng khi dự kiểm tra sát hạch chỉ có 32 người đạt yêu cầu (điểm sát hạch đạt từ 50 trở lên). Kết quả này sẽ được Hà Nội tiếp tục báo cáo lên Bộ Nội vụ để xin ý kiến và chỉ khi Bộ Nội vụ đồng ý thì lúc đó mới được coi là trúng tuyển công chức.

S.H