Thi công chức: Cửa vào hé rất nhỏ!

(Dân trí) - “Thi công chức mà không chọn được người tài, người có năng lực thực sự thì nhất định sẽ rớt vào 3 trường hợp: <i>Thứ nhất</i> là con ông cháu cha, <i>thứ hai</i> là nhóm lợi ích, <i>thứ ba</i> là tiêu cực” - Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định.

Trao đổi với PV Dân trí về việc gần 50% thạc sĩ, cử nhân loại giỏi ở nước ngoài, thủ khoa tốt nghiệp đại học xuất sắc trong nước trượt kỳ thi sát hạch công chức vừa qua ở Hà Nội, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:  

“Thạc sĩ, cử nhân ở nước ngoài tham gia sát hạch công chức ở Việt Nam trượt là có vấn đề. Thứ nhất, những câu hỏi sát hạch dành cho người đi học nước ngoài về họ đã được học chưa?; thứ hai,phong cách tác phong làm việc ở nước ngoài khác trong nước, lề lối làm việc cũng khác, kỹ năng cũng khác. Người ở nước ngoài làm việc bám theo quy định của pháp luật để họ làm. Còn ở Việt Nam, trong khi làm phải vận dụng, sáng tạo. Những câu hỏi đặt ra không trúng vào những câu hỏi mà họ đã từng học?...

Cho nên cách sát hạch như thế với những người học ở nước ngoài về sẽ là không bình thường. Nếu hỏi những người học ở nước ngoài về thì phải hỏi những kiến thức mà họ đã học. Như vậy mới có ý tuyển dụng những người đi học nước ngoài.

Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)

Với cách sát hạch máy móc như vậy sẽ khó có những người tài được vào phục vụ trong bộ máy hành chính nhà nước, thưa ông?

Định nghĩa chữ “Tài” tùy thuộc vào mỗi nước có quan điểm khác nhau. Tài ở nước ngoài là giỏi về chuyên môn, giỏi về kỹ thuật, giỏi về ngoại ngữ, giỏi về vi tính… còn ở mình tài còn kèm theo đó là lý lịch. Nhiều người tài học ở nước ngoài về họ chưa được cọ xát nên đưa vào bộ máy sẽ  bị bật ra thôi.

Tôi quan niệm, người tài phải là người giao việc gì làm tốt và hoàn thành xuất sắc công việc đó chứ không phải người tài là người có bằng cấp cao. Bởi, bằng cấp cao nhưng khi vào làm việc, điều hành công việc nó lại khác.

Do đó, khi tuyển dụng cần có thời gian thử thách 6 tháng, 1 hay  2 năm để xem người đó làm việc như thế nào.

Cuộc thi thực tế chỉ là giấy vào cửa thôi, nó như giấy lên sân khấu hát, hát tốt thì không sao nhưng đang hát mà đứt giọng thì sao. Do vậy, bằng cấp và thi tuyển chỉ là cửa thử thách ban đầu.

Thi công chức, nhiều người cho rằng là kỳ thi tiêu cực nhất hiện nay, nếu không có tiền là không đỗ, ông nghĩ sao?

Việc tiêu cực trong thi tuyển công chức nói từ lâu rồi. Thi gì cũng tiêu cực, tiêu cực từ lộ đề thi trước, đánh dấu trong những bài chấm, thậm chí người thi còn được đưa đề giải trước mang vào phòng thi chỉ việc chép vào bài… việc này  cũng nói nhiều rồi.

Cho nên, bộ máy ở trên đã không trong sạch thì  làm sao mà có sự trong sạch từ dưới được. Nếu người ở trên  không muốn tuyển dụng người tài và tuyển dụng với lý do lợi ích khác thì sẽ tạo nên lợi ích liền sau khi thi.

Ngày trước ở Hà Nội, cũng đã có phản ánh về việc chạy hàng trăm triệu để vào công chức. Sau đó, Hà Nội vào cuộc  xác minh thông tin, kiểm tra  lại không có.

Thi công chức mà không chọn được người tài, người có năng lực thực sự thì nhất định sẽ rớt vào mấy trường hợp thứ nhất là con ông cháu cha, thứ hai là nhóm lợi ích, thứ ba là tiêu cực. Nhìn thấy kết quả thì suy ngược lại.
 
Một cảnh chen chúc thi tuyển công chức vào Chi cục Thuế Hà Nội năm 2014
Một cảnh chen chúc thi tuyển công chức vào Chi cục Thuế Hà Nội năm 2014.

Thưa ông, đây có phải là vấn đề nhức nhối trong xã hội mà khó giải quyết không?

Quá nhức nhối ý chứ vì cửa vào hé rất nhỏ. Những người vào là những người đã được chuẩn bị sẵn rồi. Mặc dù thi công khai nhưng còn vấn đề lý lịch nữa.

Cũng về ý công khai như ông nói, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù thi công chức luôn tổ chức công khai (công khai về chỉ tiêu, tiêu chí, điểm số…) nhưng dưới sự  công khai này là ẩn chứa sự sắp đặt hết?

Những công khai này là nội hàm nên những vấn đề công khai lộ ra họ sẽ che vào ngay. Công khai những tiêu chí đó mang tính rất cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng.

Vậy theo ông, biện pháp nào để khắc phục tình trạng tiêu cực trong thi tuyển công chức hiện nay?

Quan trọng là người đứng đầu có quyết tâm chọn người tài hay không. Nếu muốn vậy thì phải có cách chọn khác nhau. Ví dụ: người học nước ngoài về, trước khi thi thì tập huấn cho họ một lượt về phần kỹ thuật như sử dụng ngoại ngữ thế nào, chuyên môn thế nào?, thi lý luận thế nào? có làm việc được không? … sau đó kiểm tra  lại độ thông minh, độ nhớ của họ có tốt không.

Theo tôi, nên đưa giáo trình trước thi cho họ đọc. Qua cách đó, những người tài thi vào phần  đã học, đã được thử thách, đã được thông qua rồi. Như vậy, mình chỉ việc kiểm tra lại may ra mới chọn ra được người tài.

Ngày xưa, những người thi đậu trạng nguyên được vua trực tiếp gặp nhưng bây giờ nhiều ông vua con lắm, nhiều ông trời con lắm.

Thi tuyển công chức “khó khăn” như hiện nay, ông có lời khuyên gì với giới trẻ ?

Thứ nhất, phải xác định nơi làm việc có phù hợp với khả năng không, chứ vào làm không đúng chỗ sẽ làm thui chột tài năng, chuyên môn của mình đi.

Thứ hai, chỗ muốn vào làm phải thu nhập phải cao, phải đảm bảo cuộc sống lo cho bản thân, lo cho gia đình. Bên cạnh đó, phải xem nội bộ cơ quan đó có ổn định không, có đối xử tốt không.

Trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm