Gia Lai:
Vượt núi, đến từng nhà vận động học sinh đầu năm học mới
(Dân trí) - Bão kéo về, mưa không ngớt, nhưng các thầy cô vùng cao xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) vẫn đến từng nhà, tìm trên khắp nương rẫy để vận động học sinh đến lớp. Ở trường, hàng trăm học sinh cùng xắn tay với thầy giáo quét dọn khuôn viên trường để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.
“Vượt núi”, tìm học sinh
Vượt gần 50km từ huyện Kbang (Gia Lai), chúng tôi tìm về ngôi trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Krong. Nhìn từ xa, ngôi trường nằm giữa lòng chảo với 4 bề bao vây bởi núi cao. Theo đó, xã Krong là một xã vùng khó với 100% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số người Banar nên đời sống vô cùng khó khăn, quanh năm bám lấy cây lúa rẫy, cây mì trên nương. Qua đó, bà con chưa ý thức được việc học của các con mình. Chính vì vậy, nhiệm vụ xuyên suốt của các thầy cô cắm bản trong trường là đi gõ cửa từng nhà hay vượt rừng đến khu sản xuất để tìm và vận động những học sinh vắng học đến trường…
Giáp ngày khai trường, khi những cơn áp thấp đang mạnh lên, núi rừng Krong ào ào tiếng cây rừng đổ, tiếng mưa rừng xối xả ngày đêm, nhưng tranh thủ buổi sáng sớm và chiều muộn các giáo viên lại đi từng làng để vận động học sinh.
Bám theo thầy Dương Văn Phúc (Phó hiệu trưởng) cùng các thầy khác vượt qua nhiều cánh rừng làng Bờ Ngăn, làng Adrong, làng Lur… để tìm học sinh. Từng hạt mưa như “mũi tên” bắn thẳng vào mặt các thầy. Lúc này, thầy Phúc vuốt nhẹ rồi cười: “Đây là công việc hàng ngày, để các em ở trong rừng, trong rẫy như con thú hoang thì cái nghèo cứ bám mãi. Giờ mình phải đi tìm từng đứa, tìm cho hết để đưa cháu đến trường học biết cái chữ”…
Hành trình giữa trời mưa cứ thế tiếp diễn, hết làng này đến làng khác. Từ xa nhìn lại, cánh cửa nhà Đinh Alơi (làng Lur, xã Krong) vẫn đóng kín. Lúc này, thầy Phúc nhẹ đẩy thì thấy bà ngoại đang chăm cậu nhóc Đinh Niem bị sốt. Thầy Phúc cho biết: “Cậu học trò này chưa thấy đến trường, mình đã nhắn trưởng thôn để phụ huynh đưa cậu lên lớp, nhưng nghe ốm. Trong lần vận động mình đến để thăm hỏi và vận động hai chị em Niem và Nươi đến trường khai giảng và đi học đều. Những em này đều ở xa nên nhà trường tạo điều kiện cho ở nội trú, phục vụ ăn ở, quần áo, sách vở… chỉ mong các em đi học đều”.
Đến nhà em Miu (học sinh lớp 9, làng Klưr) để vận động. Được biết, từ đầu năm đến nay Miu chưa ra lớp nên các thầy đã nhiều lần đi vận động nhưng lần này mới gặp được. Thầy Nguyễn Quốc Việt thông tin: “Miu là học sinh rất giỏi. Nhiều lần thầy cô đã vào vận động nhưng tính em hay ngại, ít nói nên các thầy cô giáo phải thật sự tận tâm, kiên trì mới vận động được em đến lớp.".
Khi trời nhá nhem tối, các thầy trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong đã vào từng nhà vận động được 2 em học sinh gồm: Dioe và Key (làng Bờ Ngăn) ra trưởng ở để chuẩn bị sách vở cho buổi khai giảng năm học mới. Còn 2 em Đinh Niem (làng Lur); Miu (làng Klưr) đang bị ốm được người nhà chăm sóc và ra trường sau.
Thầy trò vùng cao rộn ràng đón năm học mới
Trong năm học 2019 - 2020, trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong có 236 học sinh. Trong đó, bậc Tiểu học có 5 lớp với 121 học sinh, bậc THCS có 4 lớp với 115 học sinh. Đặc biệt, trong đầu năm này có 27 học sinh bước vào lớp 1. Hiện nay, chỉ còn 1 - 2 ở xa trong rừng hoặc bị ốm nên chưa thể đến lớp được.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong nhà trường có 144/236 học sinh là ở bán trú, tỉ lệ duy trì sĩ số nhà trường luôn từ mức 95 - 99%. Để đạt được những con số đó là cả sự nỗ lực của giáo viên trên hành trình đến từng nhà vận động học sinh, xây dựng nhiều khu vui chơi, dạy kĩ năng sống thu hút các em học sinh… Cũng nhờ vậy, trong những năm qua, chất lượng giáo dục vùng cao như được “trỗi dậy”, tỉ lệ học sinh mù chữ đã không còn”.
“Hiện nay trường có 2 cấp học, học sinh được các thầy cô lo chu đáo từng bữa cơm, quần áo, sách vở… Vào dịp đầu năm mới, nhà trường luôn chú ý, rà soát để kiểm tra sĩ số học sinh. Qua đó, có nhiều hình thức vận động để các em đi học đầy đủ. Cũng vì vậy, trong năm học vừa qua nhà trường đã có 3/7 học sinh xuất sắc trên toàn huyện được vào học tại trường Nội trú tỉnh Gia Lai, chi nhánh phía Đông Nam Gia Lai’, thầy Thuấn cho biết thêm.
Để chuẩn bị cho năm học mới, trong chiều 4/9, thầy và trò trường đã cùng nhau “xắn tay áo” dọn dẹp lại trường, lớp, cắt tỉa cây xanh…Những giáo viên nữ cùng tốp múa, tốp nhảy cùng duyệt lại các tiết mục văn nghệ cho ngày khai giảng. Hầu như hơn 98% học sinh đã ra trường để chuẩn bị sách vở, quần áo cho ngày khai giảng năm học mới.
Phạm Hoàng