Vụ "tiến sĩ siêu lừa" dạy ở nhiều trường đại học: Công an vào cuộc

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Công an TPHCM đang làm việc với các trường đại học để làm rõ vụ "tiến sĩ siêu lừa" sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả, giảng dạy tại hàng loạt trường đại học.

Vụ tiến sĩ siêu lừa dạy ở nhiều trường đại học: Công an vào cuộc - 1

Bằng thạc sĩ, tiến sĩ mang tên Nguyễn Trường H. được xác định là không đúng (Nguồn: NTCC).

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí, Công an TPHCM đang liên lạc với các trường đại học để làm rõ vụ đối tượng sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả giảng dạy tại hàng loạt trường đại học.

Trưởng phòng Hành chính Tổ chức một trường đại học cho biết đơn vị này đã nhận được lịch làm việc của Công an TPHCM để xác minh về trường hợp bộ hồ sơ của ông Nguyễn Trường H.

"Ông Nguyễn Trường H. đòi lương đến 40 triệu đồng/tháng, quá cao nên chúng tôi không nhận", vị này cho hay.

Phó hiệu trưởng một trường đại học tại quận Bình Thạnh xác nhận Công an TPHCM đã liên hệ sang trường để xin hồ sơ nhân sự. Ông Nguyễn Trường H. có một thời gian dài thỉnh giảng, sau đó trở thành giảng viên cơ hữu của cơ sở này.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Chí Thắng - Công ty Luật TNHH MTV Chí Thành, Đoàn Luật sư TPHCM - phân tích nếu cơ quan chức năng xác định được ông N.T.H. sử dụng bằng giả sẽ bị xử lý về tội sử dụng giấy tờ giả quy định, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Nếu, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 con dấu tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, còn các khung phạm tội bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

"Như vậy, để xác định người sử dụng bằng giả có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì cần phải xem xét hành vi vi phạm dựa trên cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật", luật sư Thắng phân tích.

Trong trường hợp, người sử dụng bằng giả chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Về trách nhiệm của đơn vị công chứng (nếu văn bản công chứng được đối tượng cung cấp là đúng), Luật Công chứng 2014 quy định trách nhiệm của công chứng viên đối với văn bản công chứng đó.

Ngoài ra, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính quy định người có thẩm quyền chứng thực có trách nhiệm đảm bảo tính trung thực, chính xác, khách quan khi thực hiện chứng thực; chịu trách nhiệm trước pháp luật về chứng thực của mình...

"Do đó, trong hoạt động công chứng của mình, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng", luật sư Thắng phân tích.

Tùy vào tính chất mức độ hậu quả hành vi mà công chứng viên có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

Theo luật sư Nguyễn Chí Thắng, hiện nay có rất nhiều vụ việc làm giả mạo các loại giấy tờ, phổ biến nhất là giả mạo bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân, nhất là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất.... để công chứng, chứng thực.

Thủ đoạn làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, phức tạp không chỉ khiến người dân mà còn cả Văn phòng Công chứng hoang mang.

Theo đó, khi các đơn vị quản lý và sử dụng nhân sự nếu có sự nghi ngờ về tính chân thật của các văn bằng chứng chỉ đặc biệt là đối với các chức danh quan trọng, có thể gửi công văn yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản đó.

Theo Dân trí phản ánh trước đó, trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để xin vào giảng dạy có tên N.T.H. (SN 13/08/1981), ngành khoa học máy tính được cấp năm 2021 (số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx). Ông này cũng cung cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành tin học, cấp năm 2010. 

Tất cả các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Hồi đầu tháng 9 năm nay, ông N.T.H. được Trường Cao đẳng Công thương nhận vào làm theo diện thử việc. Ngày 18/9, ông H. được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho hay: "Ông Nguyễn Trường H. khoe đã giảng dạy thạc sĩ ở nhiều trường, trong đó có cả trường ở Nha Trang.

Khi nộp hồ sơ tuyển dụng, ông H. nộp bằng có công chứng nên nhà trường rất khó để xác minh tính chính xác của bằng cấp". 

Sau khi nhận được một số thông tin phản ánh nghi ngờ về bằng cấp của ông H. vào tháng 10, nhà trường đã tiến hành xác minh. 

Nhà trường gửi bản công chứng bằng tiến sĩ mang tên Nguyễn Trường H. sang Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM để xác minh nhưng kết quả không đúng với dữ liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Đầu tháng 11 này, ông H. gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm