Vụ "tiến sĩ siêu lừa" nhiều trường sập bẫy: Bộ Giáo dục hướng dẫn xử lý

Mỹ Hà

(Dân trí) - Vụ việc "tiến sĩ siêu lừa" đang khiến dư luận xôn xao, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời báo Dân trí về quy định pháp luật hiện hành nhằm xử lý hiện tượng này.

Thông tin một "tiến sĩ siêu lừa" khiến hàng loạt trường đại học, cao đẳng sập bẫy vài ngày nay khiến nhiều người bất ngờ. Đến nay, có 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM đã xác nhận từng tiếp nhận "tiến sĩ siêu lừa" đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng.

Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện vấn đề bằng cấp, người này cắt đứt các liên lạc với nhà trường.

Trả lời phóng viên Dân trí ngày 26/11, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng, không phải trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.

Vụ tiến sĩ siêu lừa nhiều trường sập bẫy: Bộ Giáo dục hướng dẫn xử lý - 1

Bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không đúng (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

"Các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát, điều này đã có trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ.

Sắp tới, Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục", ông Chương cho biết.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đơn vị này đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo các quy định hiện hành, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện về văn bằng đã cấp cho người học và công khai định kỳ trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Hệ thống tra cứu văn bằng của Cục Quản lý chất lượng hiện đang thử nghiệm và chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho người dân và các cơ quan, đơn vị. Bộ GD&ĐT không làm thay việc của các đơn vị cấp văn bằng chứng chỉ.

Trở lại với vụ "tiến sĩ siêu lừa" vừa đề cập trên đây, phóng viên Dân trí đặt câu hỏi rằng, ngoài việc người giả mạo văn bằng chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, Bộ GD&ĐT có hình thức xử lý nào không?

Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng cho biết, khi phát hiện văn bằng chứng chỉ giả, cần báo cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật và theo mức độ vi phạm.

"Tốt nhất, cơ quan tuyển dụng hoặc bổ nhiệm cần có các biện pháp thẩm định văn bằng chứng chỉ, nhất là phối hợp với cơ sở giáo dục nơi cấp bằng.

Với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, các đơn vị không mất quá nhiều thời gian để xác minh, xác thực một văn bằng, chứng chỉ được cấp trong nước.

Đặc biệt, cơ quan công chứng nếu xác thực không đúng, cũng phải chịu trách nhiệm về việc công chứng văn bằng chứng chỉ giả mạo.

Đối với các văn bằng chứng chỉ được cấp ở nước ngoài, nếu cơ quan, cá nhân có nhu cầu, trung tâm chứng nhận văn bằng của Cục Quản lý Chất lượng sẵn sàng hỗ trợ theo dịch vụ công khá tiện lợi hiện nay", ông Chương cho biết thêm.

Vụ tiến sĩ siêu lừa nhiều trường sập bẫy: Bộ Giáo dục hướng dẫn xử lý - 2

Khi phát hiện văn bằng chứng chỉ giả, cần báo cơ quan công an để xử lý theo quy định (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp).

Theo Dân trí phản ánh trước đó, trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để xin vào giảng dạy có tên N.T.H. (SN 13/08/1981), ngành khoa học máy tính được cấp năm 2021 (số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx). Ông này cũng cung cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành tin học, cấp năm 2010. 

Tất cả các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Hồi đầu tháng 9 năm nay, ông N.T.H. được Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam nhận vào làm theo diện thử việc. Ngày 18/9, ông N.T.H. được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho hay: "Ông N.T.H. khoe đã giảng dạy thạc sĩ ở nhiều trường, trong đó có cả trường ở Nha Trang.

Khi nộp hồ sơ tuyển dụng, ông H. nộp bằng có công chứng nên nhà trường rất khó để xác minh tính chính xác của bằng cấp". 

Sau khi nhận được một số thông tin phản ánh nghi ngờ về bằng cấp của ông H. vào tháng 10, nhà trường đã tiến hành xác minh. 

Nhà trường gửi bản công chứng bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. sang Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM để xác minh nhưng kết quả không đúng với dữ liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Đầu tháng 11 này, ông H. gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.

Đầu tháng 2/2023, trả lời cử tri Đà Nẵng về kiến nghị cần tăng cường xử lý vấn đề bằng giả hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đối với việc quản lý, cấp phôi văn bằng, chứng chỉ đối với các cơ sở giáo dục đại học, thực hiện Luật Giáo dục đại học 2018, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ in, quản lý, cấp phát, sử dụng phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở này chịu trách nhiệm về các biện pháp chống làm giả văn bằng, chứng chỉ, báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ về Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản và công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi sử dụng.

Đối với các cơ sở giáo dục do Sở GD&ĐT quản lý, Bộ GD&ĐT cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ theo số lượng do các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đăng ký.

Các phôi văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT phát hành đều được dán tem bảo hiểm chống giả; toàn bộ hồ sơ cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ được lưu trữ tại Kho lưu trữ của Bộ, phục vụ hiệu quả cho việc xác minh.