Thanh Hóa:

Vụ phụ cấp cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Bất nhất trong thực hiện

Bình Minh

(Dân trí) - Theo Sở Tài chính, các trường học phải được tỉnh công nhận đủ điều kiện dạy học sinh khuyết tật thì mới duyệt kinh phí cho giáo viên dạy đối tượng này, tuy nhiên Sở GD&ĐT cho rằng không cần thiết.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng Phòng quản lý ngân sách huyện, xã, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết, mới đây, Sở đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT đề nghị Sở này làm đúng chức năng của mình như: Xác định đúng đối tượng được thụ hưởng theo thông tư hướng dẫn, trình tỉnh quy hoạch mạng lưới về trường đạt tiêu chuẩn đào tạo trẻ khuyết tật theo phương thức hòa nhập. Khi có danh mục các trường được tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính mới có căn cứ để thực hiện chế độ.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương cũng cho rằng: "Không phải cứ có trẻ khuyết tật là giáo viên đó được hưởng. Để giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS hưởng phụ cấp ưu đãi khi dạy trẻ khuyết tật hòa nhập thì trường nơi giáo viên đó dạy phải được tỉnh công nhận nằm trong danh mục các trường đủ điều kiện dạy học sinh khuyết tật theo Thông tư 03 (Thông tư quy định hòa nhập đối với người khuyết tật - PV), kèm theo đó là tờ trình, quyết định phê duyệt danh sách của địa phương đó".

Vụ phụ cấp cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Bất nhất trong thực hiện - 1

Nhiều giáo viên dạy trẻ khuyết tật cho biết họ thiệt thòi bởi từ khi ra quy định đến nay chưa nhận được phụ cấp ưu đãi này (Ảnh: CTV).

Theo giải thích của bà Phương, có đơn vị gửi hồ sơ lên nhưng chỉ có quyết định phê duyệt danh sách, hồ sơ không đủ điều kiện thì Sở không thể xuất kinh phí được, không phải cứ cái gì đề xuất cũng phải chi trả mà phải đủ điều kiện đúng người đúng chế độ.

Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nếu phải công nhận trường đủ điều kiện dạy trẻ khuyết tật thì đó là cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn đây là đối tượng học sinh học hòa nhập tại các cơ sở Mầm non, Tiểu học, THCS nên việc yêu cầu điều kiện trên là không cần thiết, giáo viên dạy trẻ khuyết tật đương nhiên được nhận theo quy định.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT, giáo viên THPT lâu nay đã được hưởng chế độ này thì hồ sơ đối với giáo viên cấp Mầm non đến THCS cũng giống như vậy.

"Phòng GD&ĐT huyện, thị, thành phố chỉ cần lập danh sách có đầy đủ hồ sơ chứng nhận học sinh khuyết tật rồi gửi sang Phòng Tài chính để Phòng này làm tờ trình lên Sở Tài chính xin cấp kinh phí. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi đến các Phòng GD&ĐT huyện, thị, thành phố yêu cầu báo cáo cụ thể xem thời gian qua, Phòng GD&ĐT đã có trách nhiệm thống kê, báo cáo về Phòng Tài chính của huyện đó hay chưa. Đồng thời cũng sẽ có văn bản phúc đáp Sở Tài chính nêu rõ quan điểm này", ông Trần Văn Thức cho biết thêm.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, dù đã có quy định giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập được hưởng phụ cấp ưu đãi thế nhưng từ khi có quy định đến nay, tại Thanh Hóa, chỉ có giáo viên bậc THPT được nhận, từ cấp Mầm non đến THCS đang bị "bỏ quên" chế độ phụ cấp này.

Theo một số hiệu trưởng các trường, không nên để giáo viên bị thiệt thòi bởi không bỗng dưng Nhà nước lại ban hành chế độ ưu đãi này cho ngành giáo dục. Dạy trẻ khuyết tật hòa nhập không hề đơn giản, thầy cô giáo rất vất vả. Ngoài ra, giáo viên còn phải soạn giáo án theo yêu cầu riêng để dạy đúng trình độ cho các em, làm hồ sơ riêng theo dõi từng tháng về sự tiến bộ để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ kịp thời...

Đáng nói, toàn bộ 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn Thanh Hóa chưa có trường hợp giáo viên Mầm non đến THCS nào được nhận phụ cấp từ khi có quy định. Như vậy, nếu tính tiền phụ cấp phải chi trả cho giáo viên kể từ ngày ban hành nghị định thì con số này không hề nhỏ. 

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại không được hướng dẫn thực hiện? Điều này đã gây ra sự thiệt thòi về vật chất rất lớn cho các thầy cô giáo.

Được biết, ngày 18/11/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đã có văn bản phúc đáp rất rõ về mức phụ cấp ưu đãi; về cách tính, hưởng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông. Theo văn bản này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Thanh Hóa tiếp tục áp dụng các quy định tại Nghị định 28.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm