Vụ giảng viên phê bình thiếu tế nhị: Cao đẳng FPT "nối lại" hợp đồng

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Đại diện Phổ thông Cao đẳng FPT TPHCM cho biết quyết định chấm dứt hợp đồng trước đó với giảng viên trong vụ phê bình "thiếu tế nhị" sinh viên trong nhóm lớp là nóng vội, thiếu tính học thuật.

Chiều 3/9, Ban lãnh đạo Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TPHCM đã có thông tin mới nhất về sự việc "nhà trường và giảng viên L.V.M.D. thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động, kể từ ngày 28/8/2024".

Theo đó, sau khi có kết quả xử lý vụ việc trên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã nhận định quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trước đó, theo thỏa thuận giữa nhà trường và giảng viên, là nóng vội, chưa đáp ứng cơ sở pháp lý, đồng thời thiếu tính học thuật.

Vụ giảng viên phê bình thiếu tế nhị: Cao đẳng FPT nối lại hợp đồng - 1

Trụ sở Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic TPHCM tại quận Phú Nhuận (Ảnh: FPT).

Sáng cùng ngày, Ban giám hiệu FPT Polytechnic cùng lãnh đạo Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TPHCM đã gặp gỡ, làm việc với giảng viên L.V.M.D.

Sau khi trao đổi, xem xét sự việc cùng nguyện vọng cá nhân của giảng viên, các bên liên quan đã đi đến thống nhất về việc giảng viên L.V.M.D. sẽ tiếp tục tham gia giảng dạy tại trường.

Về phía sinh viên và phụ huynh, nhà trường sẽ phối hợp giải quyết theo nguyện vọng của gia đình, để sinh viên sớm ổn định tâm lý, đạt kết quả học tập tốt nhất.

"Ban lãnh đạo FPT Polytechnic, lãnh đạo Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TPHCM xin khép lại sự việc tại đây để giảng viên, sinh viên và nhà trường ổn định các hoạt động giảng dạy và học tập", đại diện nhà trường chia sẻ.

Trước đó, đại diện Phổ thông Cao đẳng FPT TPHCM đã chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên L.V.M.D. trong vụ việc giảng viên có lời lẽ phê bình "thiếu tế nhị" khiến sinh viên xấu hổ với bạn bè.

Nhà trường cũng cho hay hai bên (nhà trường và giáo viên) đã tổ chức họp, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đi đến thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên. Vì vậy, những thông tin lan truyền nói nhà trường "buộc thôi việc" hay "giảng viên bị cho chấm dứt hợp đồng",... là không đúng bản chất vụ việc".

Sự việc bắt nguồn từ ngày 10/8, sau khi nộp bài thi môn học màu sắc, ngành học thiết kế đồ họa, sinh viên N.K.L. (lớp GD1807) đã nhận điểm 0 từ giảng viên M.D.

Lý do được giảng viên đưa là: "Vì sử dụng AI, không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của giảng viên, dẫn đến chất lượng bài thi không khác chất lượng bài thi trước đó".

Sau khi sinh viên thắc mắc điểm số trong nhóm trò chuyện của lớp, giảng viên đã có các dòng tin nhắn trao đổi lại theo hướng phê bình cách thức làm bài của sinh viên. Theo phụ huynh phản ánh, điều này đã làm sinh viên xấu hổ với bạn bè và buồn, khóc.

Ngày 13/8, phụ huynh đã tới trường, gặp đại diện nhà trường "yêu cầu thẩm định chất lượng giảng viên".

Ngày 15/8, nhà trường (Ban lãnh đạo cơ sở tại TPHCM) đã lập Hội đồng phúc khảo, phúc khảo bài thi của sinh viên và kết luận bài thi đạt 5 điểm. Tại buổi phúc khảo, sinh viên chia sẻ sự hài lòng về kết quả mới.

Vụ giảng viên phê bình thiếu tế nhị: Cao đẳng FPT nối lại hợp đồng - 2

Sinh viên Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic trong một tiết học (Ảnh: FPT).

Ngày 21/8, sau khi ghi nhận các thông tin liên quan, giảng viên bộ môn trực tiếp gặp, xin lỗi sinh viên vì các tin nhắn không phù hợp, trong nội bộ lớp (trên internet).

Tuy nhiên, khi biết thông tin cuộc gặp, phụ huynh nêu quan điểm với đại diện nhà trường "không chấp thuận cách thức gặp riêng sinh viên để giải quyết vấn đề, yêu cầu giảng viên xin lỗi trong nhóm lớp (trên internet)".

Giảng viên L.V.M.D. sau đó đã nhắn tin vào nhóm lớp với nội dung: "Cô chúc mừng K.L. đã bảo vệ môn học thành công. Trong quá trình giảng dạy, đôi khi cô có những ứng xử gây hiểu lầm khiến cho K.L. buồn.

Cô xin lỗi tới bạn và mong bạn có lại động lực, tinh thần học tập và tiếp tục việc học tập. Cô chúc các bạn luôn có động lực và tinh thần hợp tác trong học tập, đạt được nhiều thành công trong học tập, cuộc sống".

Nhà trường xác minh, nội dung tin nhắn nhận được sự đồng thuận của các sinh viên khác; riêng sinh viên K.L. đã rời khỏi nhóm lớp từ trước, nên (có thể) không đọc được tin nhắn này.

Ngày 28/8, đại diện nhà trường hẹn gặp phụ huynh nhằm trao đổi chi tiết, thống nhất phương án giải quyết vấn đề, đồng thời mời giảng viên M.D. tham gia nhưng giảng viên xin vắng mặt. Sau buổi làm việc, phụ huynh và nhà trường đã thống nhất các giải pháp xử lý.

Phía nhà trường cho biết, nhà trường làm việc riêng với giảng viên M.D., để kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đi đến thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên M.D., kể từ ngày 28/8/2024.

Sau khi thông tin việc chấm dứt hợp đồng được đăng tải, nhiều người đã bày tỏ ý kiến, quan điểm bảo vệ giảng viên M.D., cho rằng hình thức xử lý chưa phù hợp.