Diễn đàn Dân trí:

Vụ “gạ tình lấy điểm”: Đạo đức nhà giáo xuống cấp nghiêm trọng!

(Dân trí) - Thầy giáo nghiện ma tuý, nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, thậm chí quấy rồi tình dục học sinh... đã không còn là chuyện lạ. Mới đây, thêm một nỗi nhức nhối về đạo đức người thầy khi vụ “gạ tình lấy điểm” của ông Đỗ Tư Đông - Phó trưởng khoa Báo chí Trường Cao đẳng PT-TH TƯ 1 - bị lôi ra ánh sáng.

Những hiện tượng trên dù chỉ rất ít nhưng đã tác động lớn đến đời sống xã hội và làm hoen ố hình ảnh của một nghề cao quý được cả xã hội tôn vinh. Đó còn là sự xúc phạm ghê gớm đến những nhà giáo chân chính, đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Những nhà giáo dục, giới trí thức nói gì về vấn đề này?

 

GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn - Nguyên Th trưởng Bộ GD&ĐT: Phải đưa ra công luận

 

Là một nhà giáo, GS có suy nghĩ gì khi trong thời gian gần đây, nhiều giáo viên bị nêu gương xấu vì vi phạm đến đạo đức nghề nghiệp?

 

Tôi rất đau lòng, bởi nhà giáo phải coi trọng phẩm chất đạo đức lên hàng đầu, sau đó mới nói đến chuyên môn, tất nhiên đây là hai yếu tố không thể tách rời. Bây giờ thỉnh thoảng đọc báo, nghe nhắc đến giáo viên này "ăn tiền", giáo viên khác "gạ tình lấy điểm" tôi lại giật mình. Ngày xưa, không có những chuyện như thế.

 

Tôi cho rằng, những nhà giáo vi phạm đạo đức thời gian qua chỉ là rất ít còn đại bộ phận nhà giáo vẫn tâm huyết với nghề, có nhân cách đạo đức trong sáng. Tuy rất ít nhưng nó đã gây ra ấn tượng rất xấu cho nghề nhà giáo.

 

Khi tìm hiểu những hiện tượng này, chúng ta không nên nhìn nhận một chiều và cho rằng nguyên nhân chỉ thuộc về nhà giáo. Giáo dục là nghề nghiệp đòi hỏi sự trong sạch nhưng nó cũng là một bộ phận của xã hội, sẽ khó lòng giữ được nếu xung quanh không trong sạch cho nên chúng ta phải xem xét những hiện tượng này trong bối cảnh chung.

 

Sở dĩ có những hiện tượng này, là do chúng ta mất dân chủ nội bộ, người có thể giám sát chính là quần chúng nhân dân nhưng dân chủ nội bộ không có thì không thể làm tốt được vai trò này. Đại hội Đảng vừa qua đã nói đến điều đó.

 

Thưa GS, trước những vụ việc tiêu cực này, nhiều ý kiến đã cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, không nên đưa ra trước công luận vì  sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một nghề nghiệp được cả xã hội tôn vinh?

 

Không thể nói như vậy được, nếu cứ giấu giếm, không nói ra chúng ta sẽ không bao giờ trị được bệnh. Và như thế càng nguy hiểm hơn. Cái khó hiện nay là chúng ta luôn nói "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" nhưng chỉ bình đẳng khi mọi việc đã ra trước pháp luật. Còn từ khi phát hiện cho đến khi pháp luật xử lý, bao giờ người có quyền cũng thuận lợi hơn, họ có tiếng nói rộng rãi, được tiếp xúc với cấp trên, được nhiều kẻ cấp dưới ủng hộ và người chiến đấu với cái xấu lại đơn độc khó khăn. Nói như vậy để thấy rằng phải đưa ra trước công luận những việc làm tiêu cực thì mới xử lý được.

 

Và theo GS, phải công khai mọi chuyện dù xấu, dù tốt...?

 

Chúng ta đã dạy học trò phải trung thực, phải chống lại cái xấu, do đó tôi ủng hộ hành động của học sinh. Nếu im lặng tức là đồng lõa với những hành động xấu, là nối giáo cho giặc và sẽ xảy ra những chuyện tồi tệ hơn. Tuy nhiên cũng phải xem xét một cách kỹ lưỡng, nhiều chiều, nếu như học sinh bịa ra chuyện để vu cáo, nói xấu thầy thì đó là điều cần phải ngăn chặn, còn sự thật thì phải nói. Nói với ai, như thế nào, điều này cần phải phải giáo dục cho học sinh.

 

Theo GS, làm thế nào để hạn chế được những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp?

 

Chúng ta cần phải có một thái độ thật nghiêm khắc, thẳng thắn đối với những nhà giáo vi phạm. Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận rằng những vi phạm đạo đức vừa qua chỉ mới là bề nổi, còn bề sâu là gì thì cần phải xem xét trong cả một hệ thống, phải kỹ lưỡng, nhiều chiều mới giải quyết được.  

 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Đó là bảo vệ nhà giáo

 

Qua một số vụ việc "gạ tình lấy điểm", mua điểm thời gian qua, tôi thấy một điều khá đặc biệt là phanh phui sự việc này không ai khác chính là học sinh. Cũng giống như các vụ tiêu cực ở một số cơ quan, tổ chức khác, không phải do thanh tra, cơ sở đảng, đoàn hay đồng nghiệp phát hiện mà là từ phía quần chúng. Đó là điều rất buồn cho hệ thống quản lý của chúng ta.

 

Khi đã nói chống tiêu cực thì không loại trừ bất cứ ai, chúng ta cần phải kiên quyết và công khai. Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng đó là vấn đề "tế nhị" và loại trừ một vài "vùng cấm" thì không thể nào thúc đẩy việc đấu tranh chống tiêu cực được.

 

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống lâu đời của chúng ta, hơn nữa nhiều người khi đang còn nằm trong tầm ảnh hưởng của người khác nên không dám nói ra sự thật, đấy là nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng không nên "trắng phớ" những việc làm tiêu cực của nhà giáo.

 

Thời gian còn làm việc ở trường đại học KHXH&NV, tôi đã chứng kiến một vụ sinh viên tố cáo tiêu cực của giáo viên. Chúng tôi đã tiến hành điều tra ngiêm túc để xử lý nhưng đến khi cần quyết định thì sinh viên tố cáo lại không dám đứng ra nhận trách nhiệm. Điều đó khiến chúng tôi không thể nào xử lý được. Do đó, tôi cho rằng chúng ta phải dứt khoát, có thái độ rõ ràng đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đó là điều cần thiết để bảo vệ hình ảnh của nhà giáo.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh KonTum Nguyễn Đức Dũng: Lên án cái xấu tức là tôn vinh cái đẹp

 

Nói đến nhà giáo, người ta thường nghĩ đến những người có phong cách mẫu mực, có đạo đức, có như vậy mới đi dạy người khác được. Thế nhưng nhìn vào thực trạng giáo dục trong thời gian qua đã cho thấy, bên cạnh những nhà giáo vẫn giữ được đạo đức, phẩm chất đã có không ít người suy thoái nặng nề về đạo đức. Có lẽ do bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường, mọi thứ bị tính bằng tiền, từ đó đạo đức con người nói chung dễ bị suy thoái?

 

Một số vụ việc tiêu cực được phanh phui, không ai khác là do học trò tố cáo. Điều đó cho thấy khi học trò lên tiếng phản kháng có nghĩa là sự việc đã ở mức rất nghiêm trọng. Học trò bao giờ cũng rất kính trọng thầy, các em có thể không hài lòng thầy giáo ở một vài điểm nhỏ và sẵn sàng bỏ qua nhưng khi đã lên tiếng như thế, có thể hiểu là không thể chấp nhận, quá sức chịu đựng. Và khi đó, người thầy đã không còn là thầy nữa.

 

Tôi cho rằng mọi việc cần phải rõ ràng minh bạch, chúng ta sẽ tiếp tục tôn vinh sự mẫu mực, đạo đức nhà giáo nhưng cũng phải lên án những cái xấu, những người thầy thoái hóa. Có như vậy mới phát huy được thế mạnh và khắc phục được cái xấu, nhất là đối với vấn đề đạo đức của nhà giáo.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thái (cô giáo "tuyệt thực"), Trường ĐH QG Hà Nội: Đạo đức của cả thầy và trò đều xuống cấp

 

Lâu nay, trong quan điểm người Việt, nghề giáo là nghề cao quý, không thể đặt nó ngang hàng với việc tính toán, trục lợi. Do đó, nếu ai tham quyền, tham tiền thì không nên vào nghề giáo dục.

 

Tôi rất bức xúc trước hiện tượng đạo văn, mua bán điểm bằng tình hoặc tiền... đã được báo chí phanh phui gần đây của một số nhà giáo. Nhưng tôi thấy vấn đề này cũng cần phải đánh giá từ hai góc độ: đạo đức của học trò và đạo đức của người thầy.

 

Bây giờ, đạo đức của rất nhiều trò đã bị xuống cấp nên mới có chuyện sẵn sàng đánh đổi để lấy điểm cao, thậm chí đánh đổi lấy tiền (hiện tượng những sinh viên quan hệ với các đại gia để được bao nuôi).

 

Nói về việc xuống cấp đạo đức của người thầy thì tôi đã từng được chính "những người trong cuộc" hoặc bạn bè kể lại chuyện các thầy đi karaoke ôm từ A đến Z. Nhiều giảng viên đại học vừa đặt bút chấm thi xong là rủ nhau đi "tiêu khiển".

 

Thái Sơn - Thu Hoài - Vũ Nga

(Thực hiện)