Vụ cô giáo đánh học sinh và đồng nghiệp tại Hà Nội: Luật sư nói gì?

M. Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, xác minh thấy cô Phạm Thị Hương véo tai, dùng thước gõ lên đầu, đánh vào bắp tay nhiều học sinh trong thời gian dài, là vụ việc nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường.

Đánh trong thời gian dài rất nghiêm trọng

Trường tiểu học Trung Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa có văn bản thông báo kết luận, thừa nhận việc cô Phạm Thị Hương, giáo viên tiếng Anh dùng thước đánh vào đầu nhiều học sinh gây xôn xao dư luận vừa qua.

Theo văn bản này, cô Hương nhiều lần đánh học sinh. Thậm chí theo xác minh của nhà trường, cô giáo này từng đánh cả đồng nghiệp. Sự việc được cơ quan công an thụ lý trước đây và yêu cầu nộp phạt hành chính nhưng cô Hương không hợp tác.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết, căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh, Hội đồng trường sẽ tham mưu thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cô giáo Phạm Thị Hương theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ thành lập Hội đồng kỷ luật, phụ huynh tiếp tục "kêu cứu" các cấp vì với những kết luận trên đây, chưa rõ hình thức xử lý cô Hương sẽ ra sao?

Liệu giáo viên này có tiếp tục đứng lớp hay không? Nếu có, họ sẽ phản đối và không chấp nhận gửi con cho một người như vậy.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 20/4, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 38, Điều lệ trường tiểu học Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Như vậy, với những học sinh có vi phạm trong quá trình học tập, giáo viên chỉ được phép kỷ luật bằng hình thức nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn hoặc thông báo với cha mẹ học sinh.

Kỷ luật học sinh bằng "vũ lực" là biện pháp phản giáo dục. Do đó, nếu nội dung kết luận của nhà trường cho thấy cô Hương- giáo viên tiếng Anh, có những hành vi như dùng tay véo tai, lắc mạnh đầu học sinh, dùng thước kim loại gõ lên đầu, đánh vào bắp tay trong thời gian dài với nhiều học sinh…, có thể nói là vụ việc nghiêm trọng, là hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực học đường và không thể chấp nhận được trong xã hội hiện nay.

Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Có thể xử phạt hành chính hoặc cao hơn

Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, theo kết luận của nhà trường, có rất nhiều đơn thư của phụ huynh, giáo viên đồng nghiệp, thậm chí là người dân nơi sinh sống tố cáo cô giáo này.

Kết quả xác minh cho thấy, có nội dung tố cáo là đúng, có nội dung tố cáo chưa đủ cơ sở kết luận. Từ đó, nhà trường sẽ xem xét xử lý kỷ luật giáo viên với những hành vi sai phạm, những nội dung tố cáo được kết luận là đúng và đã được làm rõ.

Trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự, nhà trường cần chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Vụ cô giáo đánh học sinh và đồng nghiệp tại Hà Nội: Luật sư nói gì? - 1

Nếu giáo viên đánh học sinh và không có tỉ lệ thương tích nhưng gây tổn hại tâm lý, vẫn có thể khởi tố hình sự về tội hành hạ người khác. 

Đặc biệt, khi giáo viên công tác tại trường học là viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời là nhà giáo, phải tuân thủ các quy định về những điều viên chức không được làm cũng như những điều nhà giáo không được làm quy định tại Điều 19 Luật viên chức 2010 và Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT.

Nếu giáo viên này vi phạm quy định về phẩm chất đạo đức, vi phạm quy chế của nhà trường, sẽ bị xử lý kỷ luật.

Theo quy định tại Điều 52 Luật viên chức năm 2010, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức (chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý); Buộc thôi việc.

Từ những nội dung xác minh của nhà trường, đơn thư của người tố cáo, phản ánh của báo chí và các cơ quan hữu quan, cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc điều tra, làm rõ.

Đồng thời, kết luận của nhà trường có thể là tài liệu tham khảo cho cơ quan chức năng trong quá trình làm sáng tỏ vụ việc.

Với những nội dung tố cáo chưa được làm rõ, chưa đủ cơ sở kết luận hoặc chưa giải quyết triệt để, cần sớm xem xét xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ và có phương án giải quyết.

Trường hợp hành vi của giáo viên đó xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người khác, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất, mức độ hành vi.

Dưới góc độ pháp lý, nếu hành vi của giáo viên gây tổn hại sức khỏe cho các em học sinh dù chỉ từ 1%, hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu giáo viên có hành vi đánh, sỉ nhục, xúc phạm học sinh diễn ra thường xuyên khiến nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tâm lý, dù không có tỷ lệ phần trăm thương tích, vẫn có thể khởi tố hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trường hợp vụ việc không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, giáo viên này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đó, theo tố cáo của nhóm phụ huynh lớp 3D, cô Phạm Thị Hương, giáo viên dạy tiếng Anh lớp 3D, trường Tiểu học Trung Hiền nhiều lần dùng thước kẻ đánh vào tay khi học sinh viết bài sai, bị nhắc nhở.

Đỉnh điểm vào sáng 28/1, cô Hương dùng thước kẻ sắt đánh lên đầu em học sinh N.H.N., em học sinh này kêu đau nhưng không dám khóc vì sợ cô đánh tiếp.

Sau khi làm việc giữa nhà trường cùng phụ huynh, trích xuất camera từ phòng an ninh, cô Hương đã viết bản tự kiểm điểm nhận lỗi, hứa không bao giờ tái phạm nhưng phụ huynh không đồng tình và gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu xác minh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm