Vụ buộc dây, treo bé 4 tuổi lên cửa sổ: Đừng bắt giáo viên “tự bơi”!
(Dân trí) - Gác lại tranh cãi kỷ luật hay không đối với cô giáo buộc dây vào người, “treo” bé 4 tuổi ở cửa sổ xảy ra tại Trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định). Câu chuyện trẻ đặc biệt vào trường học hòa nhập là một bài toán rất nhiều thách thức mà giáo viên đang phải "đứng mũi chịu sào".
Các bên cùng khổ
Giáo viên (GV) không được đào tạo về giáo dục trẻ đặc biệt, ảnh hưởng đến học sinh (HS) trong lớp và đặc biệt, khi được không đúng môi trường, không có người hỗ trợ hợp lý, chính đứa trẻ hòa nhập khó tránh được sự tổn thương.
Trường hợp GV buộc dây vào người, “treo” bé 4 tuổi ở cửa sổ xảy ra tại Trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) là một trường hợp thể hiện rõ nhất tình cảnh "các bên cùng khổ" trong nhiều ca hòa nhập.
Đầu năm nay, khi lên tiếng về các vấn đề giáo dục trong buổi đối thoại với lãnh đạo TPHCM, em Phan Lê Ánh Dương, HS lớp 6, Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn đã lên tiếng cảnh báo về tình cảnh éo le khi đưa trẻ hòa nhập vào trường thường - vấn đề được ít người quan tâm.
Dương kể trường hợp bạn học cũ của mình mắc chứng tự kỷ tăng động, không thể ngồi yên mà phải chạy nhảy luôn tay luôn chân. Bạn quay ngang quay dọc, nói chuyện... và chuỗi những ngày ở lớp là luôn bị thầy cô chửi mắng. Và chính GV cũng rất mệt mỏi nhưng không hiểu về bệnh tình cũng không thể biện pháp gì khác nên thầy cô lại tiếp tục la mắng vì mắng hoài cũng vậy.
Thầy cô la mắng, phạt không những bạn không thay đổi mà bệnh dường như càng ngày càng nặng, học càng kém... Sau đó, người bạn này phải chuyển trường nhưng tình hình vẫn như cũ, thầy cô vẫn chửi mắng, bạn thì hoảng sợ không thay đổi được gì.
Nữ sinh lớp 6 cho rằng dù mọi người đang khuyến khích HS mắc những căn bệnh đặc biệt như tự kỷ, kém phát triển học hòa nhập nhưng theo em, đừng cố gắng học hòa nhập. Môi trường giáo dục ở trường bình thường gò bó, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, phát triển của các bạn và chính thầy cô cũng rất khó xử.
Nhà trường, giáo viên cần được quyền từ chối
Để "chữa cháy" trước vấn đề đưa trẻ đặc biệt vào trường thường, tại TPHCM năm nào cũng có những chuyên đề tập huấn về dạy trẻ hòa nhập, nhất là đối tượng trẻ mắc chứng tự kỷ cho GV các trường.
Trao đổi với quản lý, GV ở thành phố, nhiều lần bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, có một thực tế nhiều gia đình, nhất là những người có địa vị xã hội thì rất ngại thừa nhận con bị tự kỷ hay gặp các vấn đề nên họ thường phủ nhận tình trạng của con. Khi đó, GV sẽ thiếu sự hợp tác, hỗ trợ từ gia đình thì dù họ có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể có kết quả vì yếu tố quyết định vẫn nằm ở gia đình.
Việc đưa trẻ tự kỷ vào trường hòa nhập là cần thiết, mang ý nghĩa nhân văn nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho rằng, ngành giáo dục cần có tiêu chí tiếp nhận trẻ tự kỷ ở mức độ nào để có thể thực hiện hòa nhập được, dạy học được.
Nhà trường chỉ nên nhận trẻ tự kỷ biết nói và từ chối trẻ không biết nói. Với trẻ tự kỷ, không nên tính vào sĩ số lớp chính thức, đánh giá trên tiêu chuẩn chung mà các em có thể chỉ cần học một vài tiết, vài buổi, chỉ tham gia một vài môn để giảm áp lực cho cả trẻ lẫn GV.
Với những trường hợp bệnh nặng không thể hòa nhập, bác sĩ Thanh khẳng định sẽ chỉ làm cho GV dễ trở nên cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng; ảnh hưởng đến những HS khác lẫn đến kết quả dạy học. Với những em này, cần phương pháp giáo dục đặc biệt và người dạy đặc biệt chứ không phải là những GV bình thường ở trường học bình thường.
Cái khó nhất hiện nay, theo một chuyên viên phụ trách hòa nhập của Sở GD-ĐT TPHCM là chưa có tiêu chí trẻ khuyết tật ở mức độ nào thì trường tiếp nhận hòa nhập. Có những em tự kỷ nặng nhưng phụ huynh không chấp nhận, nhà trường rơi vào cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội. Trong khi chỉ một số trường tiểu học tại TPHCM có GV dạy hòa nhập, còn hầu hết do GV bình thường kiêm nhiệm.
Từ sự việc GV trói, treo HS tự kỷ vào cửa sổ, đã đến lúc cần sự quan tâm đối với vấn đề trẻ hòa nhập, những quy định rõ ràng hơn. Nếu chỉ vì thương thôi thì chưa đủ, nếu chỉ cần cái tâm thôi cũng không xoay sở được. Trẻ học hòa nhập, nhất với những trường hợp nặng cần được nhận một cách nghiêm túc, "sòng phẳng" với tất cả các bên.
Không thể khó là đẩy, nhận hết vào trường rồi mặc cho GV "tự bơi". GV cũng như mọi nghề nghiệp khác, có chuyên môn cụ thể và không phải là Tôn Ngộ Không với với 72 phép thần thông có thể làm tốt được mọi việc ngoài khả năng.
Hoài Nam