Công đoàn ngành giáo dục: Đề nghị không kỉ luật cô giáo “treo” trẻ ở cửa sổ
(Dân trí) - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục đề nghị không xem xét kỉ luật cô giáo mà chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm sư phạm về việc cháu P., học sinh 4 tuổi ở trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) bị cô giáo buộc dây vào người, “treo” ở cửa sổ.
Xác nhận với PV Dân trí sáng 1/12, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị này đề nghị không xem xét kỉ luật cô giáo mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm về phương pháp sư phạm.
Cũng theo ông Đức, rất cần dư luận có sự chia sẻ với cô giáo trong trường hợp phải quản lý lớp đông, vừa có cháu bị tăng động.
“Cô không chỉ đảm bảo an toàn cho cháu mà còn phải đảm bảo an toàn cho các cháu khác trong lớp. Vì vậy, việc cô giáo làm là cực chẳng đã, không có ác ý. Hơn nữa theo những gì ghi nhận lại cho thấy, cô giáo chỉ buộc dây vào áo, tránh làm cháu tổn thương”, ông Đức khẳng định.
Chia sẻ thêm về việc cô giáo dù không có kĩ năng giáo dục trẻ hòa nhập nhưng do tình làng nghĩa xóm, nhà trường đã nhận cháu P. giúp gia đình. Ông Đức cho rằng, sự việc này xuất phát từ tình thương đối với cháu, do hoàn cảnh gia đình cháu rất đặc biệt. Vì thế, nhà trường đã nhận, dù biết rất khó khăn.
Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết, ngay sau đây, đơn vị này sẽ gửi văn bản đến địa phương, với tinh thần như trên đây, để địa phương nắm được.
Như Dân trí đưa tin trước đó, cháu N.T.P. (SN 2014), trú tại thôn Cường Tiến, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, bị các cô giáo trường mầm non B Trực Đại buộc dây vào người rồi treo lên cửa sổ gây bất bình trong dư luận.
Được biết, cháu P. vào học tại trường từ năm 3 tuổi. Hoàn cảnh của P. rất đặc biệt, khó khăn: bố đã mất, mẹ bỏ đi, P. sống với bà nội. Bản thân cháu P. bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Ban giám hiệu trường mầm non B Trực Đại cho biết, nếu đối chiếu với các quy định, cháu P. phải được học tại trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật, tự kỷ. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Trực Ninh không có trường chuyên biệt. Nhưng bà nội cháu P. khi đó tha thiết phía nhà trường giúp đỡ, tiếp nhận cháu P. vì hoàn cảnh gia đình cháu quá khó khăn.
Nếu không tiếp nhận cháu P. sẽ rất thiệt thòi, không được học tập, hòa nhập cùng các bạn nên nhà trường đã tiếp nhận cháu vào học. Sau khi tiếp nhận, nhà trường đã phân công giáo viên phụ trách cháu P.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, các biểu hiện tăng động của P. càng rõ, thường xuyên hú, chạy nhảy, phá phách, dẫm vào người các bạn cùng lớp, cắn vào tay các bạn và cô giáo, đập đầu vào tường….
Hiệu trưởng nhà trường lý giải, nguyên nhân việc cháu P. bị buộc dây vào áo và buộc lên cửa sổ, do cháu P. có nhiều biểu hiện tăng động.
Để đảm bảo an toàn cho em P. và cho các học sinh cùng lớp, hai cô phụ trách đã tách, đưa P. vào phòng riêng.
Tuy nhiên, tại phòng riêng P. vẫn chạy nhảy, phá phách. Trong khi chưa biết xử lý thế nào, các cô đã bột phát dùng dây buộc vào áo cháu P. và cột vào cửa sổ phòng.
“Để xảy ra sự việc trên, nhà trường và các giáo viên rất buồn”, lãnh đạo nhà trường chia sẻ.
Hiện nay, cả 2 giáo viên đứng lớp 4 tuổi A3 đang tạm thời được cho nghỉ việc để bình tâm suy xét lại hành động của mình đối với cháu P..
Để không bị xáo trộn trong việc dạy trẻ, nhà trường đã bố trí 2 giáo viên khác thay thế để đứng lớp. Cháu P. vẫn đi học bình thường.
Mỹ Hà